Các quy tắc tài khóa của EU tiếp tục hoãn vào năm 2023

(VOH) - Ủy ban châu Âu (EC) cho biết tiếp tục gia hạn việc đình chỉ các quy tắc tài khóa của EU vào năm 2023.

Hôm thứ Hai 23/5, Ủy ban châu Âu thông báo rằng các quy định về kỷ luật ngân sách đối với các nước thành viên EU, chưa được áp dụng từ tháng 3/2020, vẫn sẽ bị đình chỉ vào năm 2023 do cú sốc kinh tế từ cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.

"Việc không chắc chắn về sự tăng trưởng và rủi ro đi xuống đáng kể đối với triển vọng kinh tế trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine, giá năng lượng tăng chưa từng có và sự gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân kéo dài thêm thời gian gia hạn", sự đình chỉ này, EC giải thích trong một thông cáo báo chí.

Các quy tắc tài khóa của EU tiếp tục hoãn vào năm 2023 do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine
Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Phó Chủ tịch EC, Valdis Dombrovskis, tuyên bố trong một cuộc họp báo: "chúng tôi đề xuất duy trì điều khoản tự vệ chung vào năm 2023", việc này cho phép tạm thời vi phạm các giới hạn về nợ và thâm hụt bởi Hiệp ước về ổn định. Điều khoản này nên được vô hiệu hóa vào năm 2024, ông nói thêm.

"Việc đình chỉ này tạo điều kiện cho hoạt động vận hành các chính sách về ngân sách quốc gia có thể phản ứng nhanh chóng khi cần thiết", ông giải thích.

EC nhấn mạnh rằng "chính sách tài khóa sẽ cần phải thận trọng vào năm 2023, bằng cách kiểm soát sự tăng trưởng của việc chi tiêu chính hiện hành của Nhà nước.

Các kế hoạch tài khóa của các quốc gia thành viên trong năm tới cần được thiết lập trong các lộ trình điều chỉnh thận trọng về trung hạn, phản ánh những thách thức liên quan đến mức nợ đã tăng cao thêm do đại dịch".

Chính sách tài khóa phải sẵn sàng để thích ứng với các hoàn cảnh thay đổi và Brussels sẽ đưa ra các khuyến nghị mới sau mùa hè.

Hiệp ước ổn định, giới hạn thâm hụt công ở mức 3% và nợ ở mức 60% trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã bị hoãn lại vào đầu năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu. Điều này cho phép 27 quốc gia thành viên thực hiện chi tiêu đặc biệt để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm tránh sự sụp đổ kinh tế.

Vào đầu tháng 3, Valdis Dombrovskis cũng thông báo rằng việc gia hạn đình chỉ Hiệp ước ổn định là "do những bất ổn tăng cao" đối với nền kinh tế.

Xung đột và tác động của các lệnh trừng phạt chống lại Nga đã khiến Brussels vào tuần trước phải cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng GDP của EU và khu vực sử dụng đồng euro vào năm 2022. Hiện tại, con số được dự kiến là ​​2,7% so với 4% vào đầu năm và không loại trừ khả năng có sự suy giảm mới.

Đến nay, nền kinh tế EU đang phải gánh chịu tình trạng giá cả nguyên liệu thô tăng vọt, và lan sang cả giá nhiên liệu và giá thực phẩm. Xung đột cũng đã làm gia tăng các vấn đề trong chuỗi cung ứng và gia tăng rủi ro cho cả doanh nghiệp và hộ gia đình.