Tiêu điểm: Nhân Humanity

10 lời khuyên cần lưu ý khi vào bếp

(VOH) - Rửa tay khi làm bếp, không nên sử dụng cùng một loại dao để cắt các loại thực phẩm,... là những lời khuyên về an toàn vệ sinh thực phẩm dành cho các bà nội trợ khi vào bếp.

1. Rửa tay

Rửa tay là nguyên tắc cơ bản cần trở thành thói quen, giúp ta phòng tránh những vi sinh vật lây nhiễm của thực phẩm bám vào tay cũng như tránh những bệnh lây nhiễm qua đường miệng. Khi vào bếp, chúng ta cần rửa tay sau khi đã chạm vào những thực phẩm tươi sống như thịt và rau củ.

Ngoài ra, cần phải rửa tay sau khi vào nhà vệ sinh, thay tả cho em bé, vuốt ve động vật hay chạm vào đất,...

Tốt nhất là rửa tay với nước ấm và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay trong 20 giây.

Ảnh: Stock

2. Không để thức ăn ở ngoài quá lâu trước khi cho vào tủ lạnh

Chắc hẳn chúng ta đều nghe đến việc không nên bỏ thức ăn còn nóng vào tủ lạnh. Quả thực là vậy, nhiệt tỏa ra từ thức ăn nóng không phù hợp với cơ chế hoạt động của tủ lạnh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên để thức ăn ở ngoài quá 2 giờ, cũng như để qua đêm thức ăn vừa chế biến cho nguội rồi bỏ vào tủ lạnh.

Bởi sau khi chế biến, một số thức ăn có các bào tử vi khuẩn sẽ sinh độc tố khi bảo quản ở ngoài. Vì vậy, chãy chia nhỏ thực phẩm thành từng phần để chúng mau nguội hơn. Phần thức ăn dư để quá lâu ở ngoài nên mang bỏ đi.

3. Giải quyết sớm phần còn dư của bữa ăn

Chúng ta thường mang phần dư thức ăn bỏ vào tủ lạnh rồi sau đó quên hẳn đi, cho đến tận vài ngày sau mới nhớ đến. Liệu chúng có còn đảm bảo nữa không?

Điều này còn tùy thuộc vào thời gian chúng ta lãng quên phần thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh và tính chất thực phẩm đó. Ví dụ, những thực phẩm làm từ trứng hoặc thực phẩm không cần nấu như mayonnaise, kem, chocolat, bánh mì... cần được giải quyết trong vòng 24 giờ.

Các thực phẩm đã qua chế biến, bánh mì kem, các thực phẩm không có đóng gói, được sản xuất thủ công hay bán lẻ không ghi rõ hạn sử dụng cũng như món ăn chế biến tại nhà không nên bảo quản quá 3 ngày.

Đối với các loại súp, táo và thức ăn đã nấu chín như cơm, hủ tiếu,... chúng ta cần bỏ vào tủ lạnh bảo quản và ăn chúng trong vòng 48 giờ.

4. Bảo quản thức ăn vệ sinh

Chúng ta cần bảo quản thức ăn trong bao thực phẩm hay để chúng vào các hộp kín cũng như bọc giấy thực phẩm để tránh vi khuẩn. Ngoài ra, trứng không được rửa sạch trước khi cất vì có thể làm rạn nứt vỏ trứng khiến cho các vi sinh vật xâm nhập vào bên trong.

5. Không sử dụng cùng một loại dao để cắt

Dao là một vật dụng được sử dụng nhiều nhất trong bếp. Tuy nhiên chúng ta cần phân biệt các loại dao khác nhau: dao dùng để thái thịt, cá sống; dao dùng để thái đồ chín và dao dùng để thái rau củ.

Lưu ý: không dùng dao thái thực phẩm sống để sử dụng thái thức ăn chín. Vi khuẩn trên dao có thể lây vào tay chúng ta khi dùng dao. Do vậy, chúng ta cần chú ý rửa tay trước khi chuyển sang chế biến thực phẩm khác.

6. Vệ sinh tủ lạnh

Trong tủ lạnh, mỗi vết bẩn đều có thể trờ thành ổ vi trùng. Mỗi lần bỏ thức ăn vào tủ lạnh, chúng ta cần vệ sinh tủ lạnh ngay sau đó với dung dịch làm sạch bề mặt các ngăn tủ.

Hơn hết cần tổng vệ sinh tủ lạnh ít nhất 1 lần/năm. Cần khử trùng miếng bọt biển hay khăn lau bằng nước tẩy hoặc bằng nhiệt.

Theo nghiên cứu của người Mỹ, khử trùng trong lò vi sóng ở mức 1000 wat có thể làm giảm đáng kể lượng vi sinh vật. Ngoài, ra, chúng ta cũng đừng quên làm sạch khăn lau thường xuyên.

7. Nấu chín thịt

Nấu chín thức ăn là cách tốt để loại bỏ hoặc giảm số lượng vi khuẩn. Các vi khuẩn thường ở trên bề mặt miếng thịt mà không phải bên trong. Nhưng khi thịt được băm nhỏ, vi khuẩn có thể phát tán rộng lớn.

Nếu chúng ta không nấu chín thịt băm thì không thể loại bỏ các vi khuẩn bên trong. Vì thế, cần nấu chín thịt, đặc biệt cho trẻ nhỏ, mẹ bầu hay những người miễn dịch yếu.

Lưu ý: Việc nấu thức ăn bằng lò vi sóng có thể không diệt được vi khuẩn như mong đợi vì nhiệt độ tỏa ra không đều.

8. Không đưa vào thực đơn những thức ăn gây kích ứng cho một số người ăn

Việc chuẩn bị một bữa ăn cho người lớn tuổi, người bệnh, trẻ nhỏ hay phụ nữ có thai cần thận trọng. Chẳng hạn như tránh trứng sống, thức ăn chưa chín kỹ, thịt cá sống hay các sản phẩm từ sữa.

9. Bảo quản thức ăn đúng nhiệt độ lạnh

Nhiệt độ bảo quản là 4°C giúp làm chậm sự phát triển của vi sinh vật. Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản thức ăn là từ 0 đến 4°C.

Nếu chúng ta không bảo quản thực phẩm trong khoảng nhiệt độ quy định này sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh nở.

10. Rửa trái cây và rau củ

Dù là trái cây hay rau củ sinh học hay không, chúng ta đều phải rửa sạch bằng nước. Chúng ta nên nhớ rằng, vi khuẩn ở khắp nơi.

Trái cây hay rau củ ở siêu thị hay chợ đều không ngoại lệ bởi để chọn lựa sản phẩm chất lượng, nhiều người dùng tay để kiểm tra trước khi mua chúng.

Bình luận