Ngày 4/10, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết đã có báo cáo về sức khỏe các trường hợp bệnh nhân nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm. Các bệnh nhân đều là người thân của bé gái 6 tuổi đã tử vong tại thành phố Thủ Đức (TPHCM) trước đó.
Sáng 3/10, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã tiếp nhận 3 bệnh nhân nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm gồm: P.T.U (39 tuổi, mẹ của bé P.N.Q 6 tuổi đã tử vong trước đó), L.V.T (19 tuổi, con trai chị U) và N.V. H (40 tuổi, em rể chị U).
Các bệnh nhân đều ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Cả ba bệnh nhân nhập viện với triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt mỏi...
Chiều cùng ngày, 3 bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội tiêu hóa để tiếp tục điều trị.
Bệnh viện ban đầu chẩn đoán cả 3 bệnh nhân rối loạn tiêu hóa, theo dõi ngộ độc thực phẩm. Hiện tại, tình trạng cả 3 đã tiến triển tốt, tỉnh táo, giảm nôn ói, mệt mỏi.
Xác minh ban đầu từ lời khai của bệnh nhân, trưa 30/9, cả nhà bệnh nhân gồm: chị P.T.U cùng với con trai L.V.T, con gái P.N.Q và anh N.V.H có ăn bánh su kem tại phòng trọ (đường Nguyễn Tư Nghiêm, phường Bình Trưng Tây, thành phố Thủ Đức).
Sau khi ăn, cả 4 người đều có triệu chứng nôn ói, tiêu chảy nhiều lần.
Ngày 1/10, bé P.N.Q tử vong và được gia đình đưa về tỉnh Cà Mau để tổ chức an táng. Đến ngày 3/10, cả 3 người còn lại đều nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.
Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Cà Mau tiếp tục điều trị, theo dõi sát tình trạng bệnh; Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến các trường hợp đang nằm viện; phối hợp ngành y tế TPHCM và chính quyền địa phương tiếp tục điều tra nguyên nhân.
Cũng trong ngày 4/10, UBND TPHCM có văn bản đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, khẩn trương điều tra, đánh giá nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, cập nhật diễn biến tình hình các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra tại TP Thủ Đức.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM được yêu cầu tập trung các biện pháp nhằm ngăn chặn, tránh để xảy ra ngộ độc thực phẩm tương tự trên toàn thành phố.
Tăng cường xây dựng các tuyến bài viết phân tích cụ thể, dễ hiểu về phòng, chống ngộ độc thực phẩm để đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm.
Các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm theo dõi sát tình trạng người bệnh, tích cực điều trị, đảm bảo an toàn tính mạng.