6 người sốc nhiệt khi tham gia giải chạy marathon tại Hà Nội

HÀ NỘI - Ngày 15/10, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin về việc cấp cứu và điều trị 6 bệnh nhân bị sốc nhiệt sau khi tham gia giải chạy marathon tại Hà Nội.

Trước đó, vào sáng ngày 13/10, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 6 bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiệt rối loạn ý thức: lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu; xét nghiệm có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận. Được biết, 6 bệnh nhân đang tham gia giải chạy marathon.

soc-nhiet-151024
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm khám cho bệnh nhân bị sốc nhiệt 

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành cấp cứu: làm mát cơ thể, truyền dịch, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, chức năng các tạng của người bệnh.

Sau đó, 6 bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc và khoa Nội thận lọc máu để tiếp tục điều trị. Hiện tại, tình trạng cả 6 bệnh nhân tạm thời ổn định, huyết động trong giới hạn, chức năng thận dần hồi phục.

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thái Cường, Chủ nhiệm Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong vài năm gần đây tình trạng sốc nhiệt khi tham gia các giải chạy marathon và thể thao đường dài gia tăng.

Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục hay gắng sức và đặc biệt là những vận động viên không chuyên khi tham gia các giải chạy marathon.

Sốc nhiệt làm tổn thương đa cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học, gây ra tình trạng suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí y tế kịp thời, thậm chí tử vong.

Vì vậy, việc hiểu biết kiến thức về sốc nhiệt, dấu hiệu nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời cũng như dự phòng sốc nhiệt là hết sức quan trọng, giúp chúng ta giảm được tỉ lệ bệnh tật và tử vong.

Nhận biết tình trạng sốc nhiệt khi chơi thể thao?

Một số dấu hiệu giúp mọi người nhận biết sớm tình trạng sốc nhiệt bao gồm rối loạn ý thức: hôn mê, cơn động kinh; rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp; rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiểu niệu, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đỏ mặt, có thể nôn mửa, ỉa chảy, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô.

Làm gì để hạn chế tình trạng sốc nhiệt?

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, bất cứ ai cũng phải luôn quan tâm tới môi trường khi luyện tập. Hãy cố gắng chọn thời gian mát mẻ trong ngày để luyện tập khi thời tiết nắng nóng; tránh luyện tập trong thời gian dài liên tục và nên có nhiều lượt nghỉ đan xen (ít nhất nên nghỉ sau mỗi 30 phút luyện tập

Tập thích nghi với nhiệt độ: Để thích nghi với thời tiết nắng nóng cần thời gian khoảng một tuần. Hơn nữa, cường độ tập luyện càng cao, cơ thể bạn càng sinh nhiệt, khiến nguy cơ sốc nhiệt gia tăng.

Bạn nên tránh các bài tập nặng khi cơ thể chưa quen với nhiệt độ và thích nghi từ từ thông qua việc bắt đầu với những bài tập nhẹ trong thời gian ngắn. Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp này khi bạn đã nghỉ tập luyện được một thời gian.

Mặc trang phục nhẹ nhất có thể và tránh ánh nắng trực tiếp: Khi trời nóng, bạn nên chọn trang phục được làm từ chất liệu thấm hút và có độ thông thoáng tốt. Khi luyện tập tại nơi có ánh nắng trực tiếp, bạn nên đội mũ để bảo vệ đầu khỏi nắng nóng

Dừng lại khi cơ thể thấy không khỏe: Chỉ cần cảm thấy cơ thể không khỏe dù chỉ là một chút, hãy dừng việc luyện tập. Đặc biệt, bạn cần thận trọng khi chạy hoặc tập các bài chạy nước rút lặp đi lặp lại.

Đây là những trường hợp xảy ra sốc nhiệt điển hình thường được ghi nhận. Lắng nghe cơ thể và có những phản ứng kịp thời chính là một giải pháp vô cùng quan trọng để tránh sốc nhiệt xảy ra.

Đảm bảo cơ thể luôn được bù nước: Khi cơ thể đổ mồ hôi nhiều, ngoài nước, hãy đảm bảo cơ thể được bổ sung muối (natri) ngoài nước lọc. 

Các loại thức uống được khuyến nghị bởi các hiệp hội thể thao: Được ướp lạnh với nhiệt độ từ 5 - 15 độ C; Vị dễ uống; Thành phần và nồng độ của nước hợp lý để không lưu lại trong dạ dày trong thời gian dài; Những thức uống giúp bù nước hiệu quả thường có chứa đường và 0.1 - 0.2% muối ăn (40mg - 80mg Natri/100ml).

Thức uống có chứa 4 - 8% đường nên được uống sau khi luyện tập từ 1 giờ trở lên. Lý tưởng nhất là khi bạn có thể thay thế lượng nước trong cơ thể (dịch cơ thể) mất đi khi đổ mồ hôi. Bằng việc đo cân nặng của bạn trước và sau luyện tập, bạn có thể thấy được lượng nước mất đi khi bạn đổ mồ hôi.

Bình luận