8000 bệnh nhân đến khám mỗi năm vì tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

(VOH) - Bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây ra tình trạng rối loạn đi tiểu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Thống kê từ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng khám Tiết niệu của bệnh viện mỗi năm tiếp nhận khoảng 8.000 người bệnh đến khám vì tình trạng này

Bệnh lý này nếu nặng có thể gây bí tiểu cấp, nhiễm khuẩn niệu, tiểu máu đại thể, sỏi bàng quang thậm chí suy thận do ngược dòng. Bác sĩ Phó Minh Tín - Quản lý và điều hành khoa tiết niệu – Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tuyến tiền liệt thường sẽ tăng kích thước sau 40 tuổi và đa phần là tăng sinh lành tính trước đây còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt... Tuy nhiên, tình trạng tăng sinh này có thể gây tắc nghẽn đường tiểu dưới của người bệnh.Các triệu chứng có thể gồm nhóm triệu chứng bế tắc như tiểu khó, tiểu ngắt quãng hoặc các triệu chứng kích thích như tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đêm.Tuy nhiên, không phải trường hợp nào có tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đều biểu hiện triệu chứng... Trường hợp phát hiện bệnh do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, mục tiêu điều trị là làm giảm nhanh triệu chứng lâm sàng, tránh các biến chứng cần phải phẫu thuật và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh bằng cách sử dụng thuốc điều trị ít gây ra các tác dụng phụ đến chức năng tim mạch, tình dục của người bệnh.Đối với người bệnh có triệu chứng đường tiểu dưới mức độ nhẹ, người bệnh không cần dùng thuốc mà chỉ cần điều chỉnh lối sống và đánh giá lại sự thay đổi của triệu chứng mỗi 3 – 6 tháng. Nếu người bệnh có triệu chứng đường tiểu mức độ trung bình trở lên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì nên điều trị bằng thuốc. Trường hợp điều trị thuốc không hiệu quả hoặc người bệnh đã có các biến chứng của tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thì cần được phẫu thuật ngay.

8000 bệnh nhân đến khám mỗi năm vì tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt 1
BSCKI. Phó Minh Tín tư vấn điều trị cho người bệnh

Bác sĩ Phó Minh Tín chia sẻ, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ, người bệnh nên áp dụng bài tập tăng cường cơ vùng chậu giúp cải thiện triệu chứng tiểu rỉ. Các bài tập liên tục co và thả lỏng các cơ vùng chậu làm cơ vùng chậu khỏe hơn, giúp cho việc nâng đỡ bàng quang và đóng cơ thắt tốt hơn. Ngoài ra, người bệnh có thể cải thiện triệu chứng bằng các biện pháp thay đổi lối sống như hạn chế sử dụng các chất kích thích, hạn chế uống nước trước khi ngủ, chỉ uống một lượng nhỏ nước nhiều lần trong ngày thay vì uống nhiều nước để tránh làm tăng đột ngột dung tích nước tiểu trong bàng quang…