Tiêu điểm: Nhân Humanity

9 tháng qua: Cả nước có hơn 87 ca tử vong do sốt xuất huyết, riêng TPHCM 21 ca tử vong

(VOH) - Từ đầu năm tới nay, cả nước có 87 ca tử vong do mắc sốt xuất huyết, trong đó, riêng TPHCM có 21 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc và tử vong do sốt xuất huyết đều tăng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận 211.388 ca mắc sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong. Riêng tại TPHCM có 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, từ ngày 1/1 đến ngày 16/9, TPHCM ghi nhận 56.234 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng trong ngày 16/9, hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố phát hiện có 306 ca mắc mới.

Hiện có 1.258 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện (trong đó có 915 ca cư trú tại thành phố), trong đó có 732 ca là người lớn (có 18 ca phụ nữ mang thai), 526 ca trẻ em, 111 trường hợp sốt xuất huyết nặng đang được điều trị, 7 ca đang lọc máu.

sốt xuất huyết, muỗi

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. (Ảnh: ECDC)

Xem thêm: Sốt xuất huyết - dịch bệnh rất nguy hiểm, không thể lơ là

Theo Bộ Y tế, trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Sốt xuất huyết và Covid-19 là hai bệnh do hai loại virus khác nhau gây ra. Tuy vậy, trong giai đoạn đầu, các triệu chứng của 2 bệnh có thể bị nhầm với nhau. Do đó, người dân cần thận trọng theo dõi, và sớm phát hiện triệu chứng nặng của bệnh số xuất huyết để đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

Người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, sau khi bệnh nhân nhiễm phải một trong các chủng virus sốt xuất huyết thì cơ thể đã có khả năng miễn dịch với chủng đó suốt đời. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tái nhiễm sốt xuất huyết do chủng khác gây nên. Điều đáng lo ngại là lần nhiễm sau sẽ nặng hơn lần nhiễm trước đó.

Trước diễn biến ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, cách đây 10 ngày, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70 điều trị sốc sốt xuất huyết.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu sau khi tìm được nguồn cung ứng, các cơ sở nhập khẩu này phải liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Cục.

Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị cung ứng đầy đủ thuốc theo dự trù của các Sở Y tế, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ khi nhập khẩu được thuốc và báo cáo về Cục Quản lý Dược về tình hình nhập khẩu.

Bình luận