Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Ăn 2 phần thịt đỏ mỗi tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2

VOH - Trong một nghiên cứu trên hơn 22.000 người mắc bệnh tiểu đường, những người ăn nhiều thịt đỏ nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2 cao hơn 62%.

Nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy, chỉ cần ăn 2 phần thịt đỏ mỗi tuần có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường Type 2.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu sức khỏe từ 216.695 người từ Nghiên cứu Sức khỏe Y tá, NHS II và Nghiên cứu Theo dõi Chuyên gia Y tế ở Hoa Kỳ và yêu cầu họ hoàn thành bảng câu hỏi về chế độ ăn uống từ 2 đến 4 năm một lần, trong tối đa 36 năm.

thịt đỏ
Ăn 2 khẩu phần thịt đỏ mỗi tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2 - Ảnh: Sky

Trong giai đoạn này, hơn 22.000 người được hỏi đã mắc bệnh tiểu đường Type 2 và kết quả cho thấy việc ăn thịt đỏ đã qua chế biến và chưa qua chế biến có liên quan chặt chẽ đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh này.

Những người được khảo sát ăn nhiều thịt đỏ nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2 cao hơn 62% so với những người ăn ít nhất.

Mỗi khẩu phần thịt đỏ chế biến bổ sung hàng ngày có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 46%. Trong khi đó, mỗi khẩu phần thịt đỏ chưa qua chế biến bổ sung hàng ngày có nguy cơ gây bệnh tiểu đường Type 2 cao hơn 24%.

Xem thêm: Ăn thịt hủy hoại môi trường như thế nào?

Các nhà nghiên cứu cũng ủng hộ việc thay thế thịt đỏ bằng các nguồn protein từ thực vật như các loại hạt và cây họ đậu - giúp giảm nguy cơ phát triển tình trạng này.

Tác giả nghiên cứu Walter Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cho biết: “Dựa trên những phát hiện của chúng tôi và nghiên cứu trước đây của những người khác, giới hạn khoảng 1 khẩu phần thịt đỏ mỗi tuần sẽ là hợp lý đối với những người muốn tối ưu hóa sức khỏe”.

Khi ước tính tác động của việc thay thế một khẩu phần thịt đỏ bằng một loại protein khác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc thay thế một khẩu phần các loại hạt và đậu có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh 30% và một khẩu phần sản phẩm từ sữa có nguy cơ giảm hơn 22%.

Theo phát hiện của các nhà khoa học được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, việc đổi thịt đỏ lấy nguồn protein thực vật lành mạnh cũng sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời mang lại các lợi ích môi trường khác.

Thịt đỏ là thịt mang sắc đỏ khi được đặt ở nhiệt độ phòng, còn tươi và không bị đổi thành màu trắng sau khi nấu chín. Trong thịt đỏ có chứa hàm lượng myoglobin (sắc tố chịu trách nhiệm cho màu sắc của thịt) cao hơn thịt trắng, khi chất này tiếp xúc với oxy, nó sẽ tạo ra màu đỏ tươi.

Thịt đỏ thường là thịt của động vật có vú như thịt heo, thịt bò, thịt cừu, thịt dê...