Báo động tỷ lệ béo phì tăng nhanh tại các nước đang phát triển

Con số dự báo - khoảng gần 1 tỷ người trưởng thành trên thế giới sẽ bị béo phì vào năm 2025 - đang khiến mục tiêu của Liên hợp quốc về kiểm soát các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống trở nên khó thực hiện.

Những người tham dự hội chợ tại Del Mar, California - Mỹ không còn dẫn đầu thế giới về tình trạng béo phì (Ảnh: Reuters)

Béo phì đã ngoài tầm kiểm soát?

Số liệu thống kê mới nhất của Liên đoàn Béo phì Thế giới (WOF) cho thấy, nếu trong năm 2010, 11,5% người trưởng thành tương đương 565 triệu người bị béo phì thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên tới 13%.

Nếu quỹ đạo gia tăng không thay đổi, thì sẽ có đến 17% người trưởng thành bị béo phì vào năm 2025. Theo đó, sẽ có 170 triệu người trưởng thành có chỉ số BMI trên 35, thuộc ngưỡng điều trị y tế khẩn cấp, chẳng hạn như phẫu thuật dạ dày, để giảm khả năng tiêu thụ đồ ăn. Đó là chưa kể đến sự gia tăng đáng kể của các bệnh nhân tiểu đường, bệnh tim và ung thư. Điều này, ngay cả ở các nước giàu cũng không có đủ năng lực hỗ trợ y tế cho những người béo phì cần sự giúp đỡ.

WOF đổ lỗi cho các công ty đa quốc gia trong việc đưa ra các chiến lược tiếp thị sâu hơn vào các nước đang phát triển nhằm tăng thị phần, ngay cả với những người có thu nhập thấp nhất. Sự “lây lan” của chế độ ăn uống phương Tây trên khắp thế giới dẫn đến tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh chóng.

Các chuyên gia cảnh báo, sự chuyển đổi nhanh từ các loại thực phẩm truyền thống sang chế độ ăn đô thị hiện đại, đặc biệt là sự lên ngôi của nước giải khát có đường/đồ ăn nhẹ và lười vận động cũng là những nguyên nhân dẫn đến bép phì, thừa cân.

Béo phì “leo thang” ở các nước đang phát triển

Tỷ lệ béo phì hiện nay đang chững lại ở các quốc gia giàu có của Bắc Mỹ và châu Âu, mặc dù không có dấu hiệu của một cuộc suy thoái. 

Tuy nhiên, tại những nước đang phát triển, thống kê cho thấy một sự leo thang tỷ lệ béo phì chưa từng có. Con số trẻ béo phì cũng đang gia tăng ở nhiều nước, đặc biệt là ở Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Quốc và một số khu vực của Đông Nam Á.

Tại Mexico, một trong những nước có tỷ lệ trẻ béo phì cao nhất trên thế giới, trong năm 2012 hai nguồn thực phẩm đóng góp lớn nhất vào năng lượng của trẻ em là sữa và nước ngọt.

Theo tiến sĩ Tim Lobstein, Giám đốc chính sách của WOF thì một cuộc khảo sát trẻ em mầm non ở Jordan mới đây cho thấy, hơn 50% tiêu thụ đồ uống có đường hoặc ga, 71% thường xuyên tiêu thụ bánh quy, bánh ngọt và 76% trẻ ăn bánh kẹo.

Để giải quyết vấn đề béo phì, tiến sĩ Tim Lobstein cho biết: "Ngăn ngừa béo phì có nghĩa là các chính phủ cần hành động cứng rắn để hạn chế việc thúc đẩy đồ ăn vặt, đặc biệt là cho trẻ em, để đảm bảo thực phẩm lành mạnh được cung cấp tại nơi làm việc, trong các trường học. Đồng thời khuyến khích các hoạt động thể chất thông qua việc thiết kế hệ thống giao thông đô thị tốt hơn nhằm khuyến khích mọi người di chuyển bằng cách đi bộ”.

Các chính phủ cũng cần can thiệp vào thuế về đồ uống có đường, hạn chế tiếp thị đồ ăn vặt, nhất là đối với trẻ em, và ghi nhãn thực phẩm có nguy cơ gây béo phì tại siêu thị và các cửa hàng thức ăn nhanh.