Bé T.K.Đ. (ngụ ở Bình Tân, TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau nhức gót chân trái, chảy máu.
Gia đình cho biết, khi được ba chở bằng xe gắn máy, bé Đ. ngồi phía sau vô ý để chân trái cuốn vào căm bánh xe sau, khiến gót chân trái lóc da, chảy máu nhiều. Bé được cầm máu và đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, bé Đ. được cấp cứu cầm máu vết thương, truyền dịch, X-quang không thấy gãy xương. Khi được chuyển mổ, các bác sĩ ghi nhận bé bị tổn thương dập nát một phần gân gót, tổn thương mô mềm mặt lòng ngón 3, 4 trái, được cắt lọc vết thương khâu phục hồi gân gót, khâu vết thương ngón chân 3, 4 trái.
Bé được tiêm ngừa uốn ván, sử dụng thuốc giảm đau, tình trạng cải thiện cử động các ngón khá và đi lại được.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến lưu ý đến quý phụ huynh cẩn thận dặn dò trẻ để chân đúng vị trí an toàn trên xe. Các gia đình hay chở trẻ bằng xe máy nên lắp “dè” che bánh xe an toàn, tránh trường hợp trẻ đưa chân vào ổ căm xe, gây tai nạn đáng tiếc.
Năm 2023, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng điều trị cho bé gái (8 tuổi) bị lóc da gót chân phải sau khi bị kẹt chân vào nan hoa xe máy.
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, vùng gót chân là vùng chịu sức nặng của cơ thể khi đi đứng. Bởi vậy cấu tạo da và tấm đệm dưới da ở khu vực này cũng rất đặc biệt.
Bình thường, mạch máu nuôi dưỡng vùng gót vẫn đầy đủ cho chức năng chịu lực của nó. Khi bị chấn thương, da ở vùng gót dễ bị lóc ra thành mảng và dễ bị hoại tử.
Một trong những yếu tố gây hoại tử vết thương gót là cấu trúc mô tại đây chỉ có da, mô đệm và xương gót nên máu nuôi dù rất phong phú với nhiều mạch máu nhỏ tận cùng hướng từ xương xuyên ra da là chủ yếu.
Khi bị vết thương lóc da gót đã làm tổn thương phần lớn máu nuôi da và vạt da lóc chỉ có thể sống sót nhờ tuần hoàn bằng hệ từ phía xa của gót hồi lưu lại. Đây chính là yếu tố chủ yếu dễ hình thành vết thương gót bị hoại tử, Khi đó, tổ chức dễ bị hư hại nhất chính là mạch máu vì mạch máu không đủ sức dãn ra khi tấm đệm đột ngột bong khỏi nền xương và lớp cân chắc nịch của vùng gót.