Chờ...

Bé gái nhiễm khuẩn huyết do tác nhân vi khuẩn não mô cầu nhóm B

VOH - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TPHCM) vừa tiếp nhận một bé gái bị nhiễm khuẩn huyết do tác nhân vi khuẩn não mô cầu nhóm B.

Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho biết, bé H.N.K. (6 tuổi, ngụ ở Hòa Thành, Tây Ninh.

Gia đình cho biết, bé K. bị bệnh 2 ngày với triệu chứng sốt cao, than đau nhức khắp người, đau bụng, không tiêu lỏng, không ho, nổi tử ban từ vùng mặt lan thân mình. Bệnh viện địa phương khám và chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết, điều trị kháng sinh Ceftriaxone, sau đó chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

tho-may-090424
Bé K. được điều trị tích cực thở máy, chống sốc, kháng sinh - Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

Khi nhập Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bé gái lừ đừ, môi tái, chi mát, mạch quay bắt nhẹ 140l/phút, huyết áp tụt còn 66/40 mmHg, CRT 3-4 giây. Tim đều, phổi phế âm đều 2 bên thở 42 lần/phút, bụng mềm, cổ mềm, họng đỏ, xuất huyết dạng chấm, tử ban mặt, ngực, lưng, bụng, tứ chi, rải rác toàn thân.

Bé gái được chẩn đoán: sốc nhiễm trùng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết tối cấp do não mô cầu.

Bệnh nhi sau đó được nằm phòng cách ly, đặt nội khí quản, thở máy, dịch truyền chống sốc, vận mạch dưới hướng dẫn đo huyết áp xâm lấn và đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, kháng sinh phổ rộng, an thần, điều chỉnh rối loạn điện giải, toan kiềm.

Kết quả xét nghiệm phản ứng khuếch đại chuỗi nhân PCR máu và dịch não tủy cho ra tác nhân là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis (còn gọi là Meningococcus), sau đó được gửi mẫu đến Viện Pasteur phân tích xác định được não mô cầu serogroup B. Đây là type huyết thanh ít gặp hơn so với type huyết thanh A, C, Y, W135.

Sau gần 2 tuần điều trị, sức khỏe bé K. cải thiện dần, tỉnh táo, cai được máy thở, hết sốt.

Sau trường hợp này, bệnh viện đã thông báo đến Sở Y tế Thành phố, Viện Pasteur, cơ quan y tế tỉnh, địa phương nơi bé sinh sống để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến lưu ý các phụ huynh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Vệ sinh tốt, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Đặc biệt, cần chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên tùy theo loại vaccine.

Đến thời điểm này, vi khuẩn não mô cầu được phát hiện có 13 chủng, nhưng ở Việt Nam nguy hiểm và phổ biến nhất là 5 chủng A, B, C, Y, W135. Do đó, nên tiêm vaccine phòng não mô cầu nhóm A, C, Y, W kết hợp não mô cầu nhóm BC hoặc tiêm vaccine phòng não mô cầu nhóm A, C, Y, W kết hợp não mô cầu nhóm B để bảo vệ trẻ khỏi 5 nhóm huyết thanh nguy hiểm A, B, C, Y, W135 gây bệnh nhiễm khuẩn huyết hay viêm màng não mô cầu.

Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị đồng thời thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.