Bạn có bị ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của mình do dịch bệnh Covid-19?
Ngoài nỗi sợ hãi về bệnh tật ra, cảm giác cô đơn, lo lắng do giảm giao tiếp xã hội trong thời gian dịch Covid-19 càng khiến con người ta phải chịu nhiều áp lực rất lớn. Trong đó, mất ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, thậm chí có thể gây ra nhiều bệnh tật.
Làm thế nào cải thiện tâm trạng tốt hơn để có một giấc ngủ chất lượng đã trở thành vấn đề lớn nhất của con người hiện đại trong thời gian dịch Covid-19.
Tăng nguy cơ bệnh tật do mất ngủ
Nhiều chuyên gia về giấc ngủ tin rằng, giấc ngủ giống như ánh sáng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Thầy thuốc Trung y người Hàn Quốc Suxing Jing giải thích, nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng ngủ không đủ giấc có mối tương quan lớn với các bệnh mãn tính.
Do não thải bỏ các chất cặn bã đã cũ trong lúc ngủ nên các tế bào não của ngày hôm sau có thể hoạt động bình thường, nếu thời gian ngủ bị rút ngắn thì thời gian tế bào não “dọn dẹp” các chất cặn bã cũng giảm theo.
Nếu tích tụ lâu ngày, những chất cặn bã đã cũ không được thải bỏ ngày càng tích tụ nhiều hơn trong não, sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ và nhiều bệnh mãn tính khác.
Đối với những người muốn giảm cân, giấc ngủ lại càng quan trọng hơn. Khi thời gian ngủ giảm xuống, nồng độ Leptin ngăn chặn sự thèm ăn trong cơ thể cũng sẽ giảm theo, ngược lại nồng độ Ghrelin làm tăng cảm giác thèm ăn sẽ tăng lên, thậm chí Hormone căng thẳng cũng tăng lên khiến cơ thể dễ tích mỡ, làm cho bạn mập nhanh hơn.
Nếu bạn ngủ càng ít, cảm giác thèm ăn càng tăng, bạn sẽ ăn nhiều dễ dẫn đến tăng cân.
Do đó, thầy thuốc Suxing Jing đưa ra khuyến nghị: "Theo nghiên cứu, ngủ đủ 7 tiếng 40 phút mỗi ngày là thời gian ngủ đủ giấc tốt nhất, giúp giảm cân hiệu quả nhất."
Bệnh nhân mất ngủ gia tăng trong thời gian dịch Covid-19
Theo thống kê của Hiệp hội Giấc ngủ Hoa Kỳ cho thấy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ bệnh nhân mất ngủ đã tăng từ 24% lên 40%.
Do bệnh mất ngủ không thể kiểm soát được bằng ý thức, Han Jingui, giám đốc Trung tâm Giấc ngủ Seoul (Hàn Quốc) khuyến nghị rằng, mọi người nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hơn 30 phút mỗi ngày và đi bộ ngoài trời vào ban ngày để kích thích cơ thể tiết chất Melatonin (Melatonin là một hormone được sản xuất bởi tuyến tùng, có tác dụng gây buồn ngủ nên thường được sử dụng trong việc điều hòa giấc ngủ, hỗ trợ chữa mất ngủ và nhịp sinh học nhưng nó không phải là thuốc ngủ) và tránh tập thể dục vào ban đêm để ngăn chặn gia tăng nhiệt độ cơ thể, giúp chúng ta dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Để nhiệt độ cơ thể khi ngủ có thể giảm xuống đến trạng thái thích hợp cho việc ngủ, giám đốc Han Jingui cũng khuyến cáo mọi người nên ngâm chân 2 tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ để kích thích cơ thể hạ nhiệt sau một thời gian ngắn ngâm chân nhiệt độ tăng cao.
Đồng thời, trước khi đi ngủ cũng nên tránh sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng, các vật dụng kích thích tế bào não phát ra ánh sáng xanh, cố gắng ngủ trong môi trường càng hạn chế ánh sáng càng tốt để chất Melatonin có thể hoạt động bình thường, giúp chúng ta dễ ngủ.
Do mất ngủ, nhiều người thường quan tâm quá mức đến giờ đi ngủ của mình, thậm chí ép mình phải đi ngủ vào một giờ nhất định nào đó. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến căng thẳng, càng làm chúng ta mất ngủ hơn.
Trên thực tế, thay vì ép mình vào một thời điểm cụ thể nào đó phải chìm vào giấc ngủ thì tốt hơn hết chúng ta nên thiết lập một cuộc sống lành mạnh để giúp cơ thể đi vào giấc ngủ một cách tự nhiên nhất, làm như vậy chúng ta sẽ có một giấc ngủ chất lượng.
Tuy nhiên, nếu bị mất ngủ kéo dài hơn 3 tuần, giám đốc Trung tâm Giấc ngủ Seoul (Hàn Quốc) Han Jingui cũng khuyến cáo mọi người nên đi khám bệnh để bác sĩ tìm ra nguyên nhân thực sự gây mất ngủ, kịp thời điều trị giúp chúng ta nhanh chóng tìm lại được giấc ngủ ngon.