Bị rết cắn phải làm sao?

( VOH ) - Bất cứ ai cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể xử lý an toàn khi chẳng may bị rết cắn.

1. Triệu chứng khi bị nhiễm độc rết cắn

Sau khi bị rết cắn bạn sẽ thấy những triệu chứng sau đây:

bi-ret-can-phai-lam-sao-voh-1

Rết cắn thường gây sưng đau và nhức (Nguồn: Internet)

1.1 Triệu chứng tại chỗ

  • Đau dữ dội, sưng nóng đỏ, bọng nước, có thể gây hoại tử nông tại vết cắn.
  • Gây yếu cơ tại chỗ.
  • Ngứa.
  • Dị cảm.
  • Phù.
  • Nổi hạch.
  • Có thể gây chảy máu nhưng thoáng qua.

1.2 Triệu chứng toàn thân

  • Sốt, mệt mỏi, đau nhức toàn thân.
  • Thở nhanh, ho, đau họng.
  • Viêm hệ bạch tuyết, hạch to.
  • Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Hầu hết các triệu chứng tại chỗ tại chỗ tự giảm dần trong vòng 1 – 2 ngày. Triệu chứng toàn thân nếu có thì kéo dài 4 – 5 giờ.

2. Rết cắn có sao không?

Rết là một loại côn trùng độc hại, rết có một cặp vuốt ở vùng miệng có chứa chất độc. Khi bạn bị rết cắn, chất độc sẽ theo vuốt đi vào cơ thể bạn. Tất cả các loại rết đều có nọc độc, mức độ ngộ độc phụ thuộc vào kích thước của chúng và số lần cắn.

Tuy nhiên, phần lớn rết cắn là lành tính, thường tự khỏi và hiếm khi để lại di chứng, thậm chí trong một số trường hợp nặng bệnh nhân cũng hồi phục trong 2 ngày.

bi-ret-can-phai-lam-sao-voh-2

Rết là loại côn trùng có độc (Nguồn: Internet)

Nói như thế không có nghĩa là rết cắn không nguy hiểm. Thực tế cũng có một số trường hợp bị rết cắn nhưng không biết cách xử lý cũng như cấp cứu kịp thời dẫn đến ngộ độc rết cắn, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, nếu có các biểu hiện như chóng mặt, ù tai, nôn, co giật sau khi bị rết cắn thì có thể bạn đã bị nhiễm độc và chất độc đang phát tác. Khi đó, hãy nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ kiểm tra và điều trị đúng cách.

3. Bị rết cắn uống thuốc gì?

Khi bị rết cắn, trước hết bạn hãy lấy vải hoặc dây buộc vào phía trên vết cắn để hạn chế nọc rết truyền về tim.

Việc điều trị rết cắn chủ yếu là uống thuốc giảm đau, tiêm phòng uốn ván, chăm sóc vết nhiễm trùng hoặc hoại tử da tại chỗ. Nếu ngoài triệu chứng sưng, đau tại chỗ còn thêm các triệu chứng khác thì bạn cần nhập viện để được theo dõi và xử lý các biến chứng như nhiễm trùng, xuất huyết, biến chứng tim mạch có thể xảy ra.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các mẹo dân gian xử lý rết cắn như:

  • Lấy tỏi giã nát đắp vào nơi rết cắn sẽ giảm đau nhức nhanh chóng.
  • Lấy rau sam rửa sạch giã nhỏ đắp vào vết thương.
  • Lấy hạt vừng (mè) giã nhỏ đắp vào nơi rết cắn.
  • Lấy củ cỏ gấu giã nhỏ đắp vào vết thương.
  • Lấy 1 nắm lá bạc hà giã nhỏ đắp vào chỗ rết cắn sẽ nhanh khỏi.
  • Rau húng chanh (rau tần dày lá) rửa sạch giã nhuyễn trộn ít muối đắp vào.
  • Lá ớt giã nhỏ, đắp vào vết thương cho đến khi hết đau nhức, ngày đắp 1 – 2 lần cho đến khi hết triệu chứng.
  • Bôi dầu gió vào vết cắn.

4. Cách phòng ngừa rết cắn

Việc phòng bệnh sẽ tốt hơn chữa bệnh. Vì thế, để phòng ngừa rết cắn, bạn nên:

  •  Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, các vật dụng như chổi, đồ gỗ cũ, thảm lau chân nên đem ra ngoài phơi thường xuyên hoặc kê lên cao để tránh rết làm tổ.
  • Không để trẻ em chơi nơi ẩm thấp có nhiều đồ đạc, gạch nhói mục cũ vì những nơi này rết thường trú ẩn.
  • Thực hiện tổng vệ sinh quanh nhà thường xuyên, lấp kín cống rãnh để diệt rết.