1. Bí tiểu là gì?
Bí tiểu hay bí đái là tình trạng bàng quang không rỗng hoàn toàn, thậm chí bàng quang chứa đầy nước tiểu và bạn thường cảm thấy cần đi tiểu nhưng không đi tiểu được. Bí tiểu có 2 dạng là bí tiểu cấp tính và bí tiểu mãn tính.
Có cảm giác buồn tiểu nhưng không tiểu được sẽ rất khó chịu (Nguồn: Internet)
Bí tiểu ảnh hưởng đến cả nam và nữ, nhưng thường xảy ra ở nam giới, đặc biệt là khi họ lớn tuổi. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy bí tiểu ở nam giới cao gấp 10 lần so với nữ giới.
2. Dấu hiệu nhận biết tình trạng bí tiểu
Dấu hiệu và triệu chứng của bí tiểu phụ thuộc vào mức độ mắc bệnh.
2.1 Triệu chứng bí tiểu cấp
Bí tiểu cấp tính xảy ra đột ngột và có thể đe dọa tính mạng. Người bệnh cảm thấy cần đi tiểu ngay nhưng lại không thể đi tiểu được. Điều này gây nhiều đau đớn và khó chịu ở vùng bụng dưới.
Những người bị bí tiểu cấp cần phải cấp cứu ngay để giải phóng nước tiểu tích tụ bên trong.
2.2 Triệu chứng bí tiểu mãn tính
Bí tiểu mãn tính xảy ra trong thời gian dài. Người bệnh có thể đi tiểu nhưng bàng quang không hoàn toàn rỗng. Thậm chí, một số người không biết mình bị bí tiểu do không có triệu chứng ban đầu.
Triệu chứng bí tiểu mãn tính thường là mất kiểm soát bàng quang, đau bụng dưới nhẹ và dòng nước tiểu yếu.
3. Nguyên nhân gây bí tiểu
Bình thường, khi bàng quang chứa đầy một lượng nước tiểu nhất định (khoảng 250 – 300ml) sẽ gây kích thích và tạo ra “tín hiệu” báo bạn cần đi tiểu. Bí tiểu sẽ xảy ra khi lượng nước tiểu trong bàng quang đã đầy nhưng không tiểu được. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do:
- Bàng quang mất sự liên hệ với hệ thần kinh thực vật điều khiển tiểu tiện khiến bàng quang không co bóp đủ mạnh.
- Do chấn thương cột sống hoặc do chấn thương vỡ xương chậu.
- Do mắc các bệnh bàng quang như viêm bàng quang cấp, viêm bàng quang mạn, sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, xơ cứng cổ bàng quang,…
- Viêm niệu đạo mạn tính gây xơ hóa, chít hẹp niệu đạo do viêm nhiễm bởi bệnh lậu hoặc do vi khuẩn chlamydia.
- Ở nam giới, bí tiểu có thể do bệnh của tuyến tiền liệt làm đè nén, chèn ép vào cổ bàng quang.
- Ở nữ giới, bí tiểu còn do u xơ tử cung, u nang buồng trứng gây đè nén vào bàng quang.
- Một số trường hợp bí tiểu nhất thời có thể do tâm lý như đi tàu xe chật chội, ngồi học hoặc họp trong thời gian lâu,…
4. Bí tiểu ảnh hưởng sức khỏe và cuộc sống như thế nào?
Bí tiểu có cảm giác rất khó chịu, rát bàng quang, đặc biệt là khi có kèm theo viêm cấp hoặc viêm mạn tính bàng quang. Vì vậy, tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Người có cảm giác buồn tiểu nhưng không tiểu được, nhất là ban đêm gây mất ngủ kéo dài và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Bí tiểu khiến người bệnh khó ngủ ngon vào ban đêm (Nguồn: Internet)
Nếu bí tiểu không được thông tiểu hoặc bí tiểu tái phát nhiều lần sẽ làm ứ đọng nước tiểu, từ đó có thể làm viêm nhiễm bàng quang, gây viêm ngược dòng, viêm thận và ảnh hưởng lớn đến chức năng thận, thậm chí gây suy thận.
5. Vậy bí tiểu phải làm sao?
Khi có dấu hiệu bí tiểu, bạn cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt để kịp xử lý bằng cách thông tiểu. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ xác định nguyên nhân để điều trị đúng cách, ngăn ngừa bí tiểu tái phát.
Ngoài thông tiểu, các biện pháp xử lý bí tiểu khác bao gồm thuốc giảm kích thước tuyến tiền liệt, giãn niệu đạo, đặt stent niệu đạo hoặc phẫu thuật. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ lựa chọn cách xử lý phù hợp.
6. Cách chữa bí tiểu dân gian tại nhà
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền), bạn có thể áp dụng trước khi đến bệnh viện:
- Cách 1: Búp tre, rau má, mỗi thứ 20g, để tươi, rửa sạch, giã nát với vài hạt muối, thêm nước, uống ngày 2 lần. Uống 1 tuần.
- Cách 2: Rễ cỏ tranh, râu ngô, bông mã đề, củ sả, đậu đen, lượng bằng nhau, tất cả rửa sạch, phơi khô, cho vào ấm đổ 550ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày, dùng trong 1 tuần.
- Cách 3: Luộc bí xanh ăn cả cái lẫn nước, hoặc vắt nước bí xanh sống có hòa thêm chút muối để uống, hay gọt bỏ vỏ rồi ăn sống. Làm như vậy liên tục trong 10 ngày để chữa bí tiểu.
Lưu ý: Ba bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, nếu áp dụng mà không khắc phục được tình trạng bí tiểu thì hãy đến bệnh viện thăm khám và điều trị bằng những phương pháp hiện đại khác.