1. Tiểu không tự chủ là bệnh gì?
Thông thường, một cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày sẽ đi tiểu khoảng 7 – 8 lần, mỗi lần khoảng 300ml, tổng không quá 3000ml/ngày. Sau khi uống nước khoảng 30 – 45 phút thường sẽ đi tiểu một lần. Số lần đi tiểu còn phụ thuộc vào lượng nước bạn uống vào.
Tiểu không tự chủ có phải là bệnh? (Nguồn: Internet)
Tiểu không tự chủ hay tiểu không kiểm soát, tiểu ít, tiểu gấp, tiểu không theo ý mình…có thể hiểu đơn giản là sự rò rỉ nước tiểu. Tình trạng này gồm các mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ rò rỉ nước tiểu khi ho hoặc hắt hơi đến có sự thôi thúc đi tiểu rất bất ngờ và mạnh.
Tiểu không tự chủ là một dấu hiệu hay triệu chứng của rối loạn chức năng đường tiểu chứ không phải là một bệnh lý.
2. Nguyên nhân tiểu không tự chủ là gì?
2.1 Nguyên nhân tiểu không tự chủ tạm thời
Một số thực phẩm, đồ uống và thuốc có thể gây ra hiện tượng tiểu không tự chủ tạm thời. Bao gồm:
- Rượu, bia: Rượu và bia hoạt động như một chất kích thích bàng quang và một thuốc lợi tiểu, có thể gây ra nhu cầu cấp thiết để đi tiểu.
- Uống nhiều nước: Uống quá nhiều nước, đặc biệt là trong một thời gian ngắn sẽ làm tăng lượng nước tiểu trong bàng quang khiến bạn dễ dàng buồn tiểu trong khoảng thời gian ngắn.
- Thức uống có caffein: Caffein là một chất lợi tiểu và kích thích bàng quang, có thể gây ra nhu cầu đi tiểu đột ngột.
- Thuốc: Dùng thuốc tim, huyết áp, thuốc an thần, thuốc giãn cơ,…có thể góp phần vào vấn đề tự chủ bàng quang.
- Nhiễm trùng đường tiểu: Nhiễm trùng có thể gây kích thích bàng quang, thúc giục để đi tiểu. Một số trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu gặp phải tình trạng tiểu không kiềm chế, kèm cảm giác nóng rát khi đi tiểu và nước tiểu có mùi hôi.
- Táo bón: Trực tràng có vị trí rất gần bàng quang và có nhiều dây thần kinh. Khi bị táo bón, phần phân cứng trong trực tràng làm cho các dây thần kinh hoạt động quá mức và gia tăng tần số tiết niệu.
2.2 Nguyên nhân tiểu không tự chủ kéo dài
- Do mang thai và sinh con: Phụ nữ mang thai có thể gặp phải hiện tượng tiểu không tự chủ do thay đổi nội tiết và tăng trọng lượng của tử cung. Ngoài ra, sự căng thẳng của âm đạo có thể làm suy yếu cơ cần thiết để tự chủ bàng quang. Các thay đổi xảy ra trong khi sinh cũng có thể làm tổn thương dây thần kinh bàng quang và mô hỗ trợ, điều này cũng có thể gây tiểu không tự chủ ở phụ nữ.
Phụ nữ mang thai dễ bị tiểu không tự chủ (Nguồn: Internet)
- Do lão hóa: Lão hóa cơ bàng quang sẽ làm giảm năng lực bàng quan lưu trữ nước tiểu và gia tăng các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức. Đây là một trong những nguyên nhân gây tiểu không tự chủ ở người già. Sau khi phụ nữ mãn kinh ít sản xuất estrogen, một loại hormone giúp cho niêm mạc của bàng quang và niệu đạo khỏe mạnh. Với estrogen ít hơn, những mô này có thể xấu đi, có thể làm nặng thêm tình trạng tiểu không tự chủ.
- Viêm bàng quang kẽ: Hội chứng đau bàng quang hay viêm bàng quang kẽ tuy hiếm gặp nhưng nó cũng có thể là nguyên nhân gây tiểu không tự chủ kèm tiểu buốt, tiểu đau.
- Phì đại tuyến tiền liệt: Ở nam giới lớn tuổi, tiểu không tự chủ thường bắt nguồn từ phì đại tuyến tiền liệt, còn gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.
- Ung thư bàng quang hoặc sỏi bàng quang: Tiểu mất kiểm soát, tiểu cấp bách và nóng khi đi tiểu có thể là dấu hiệu và triệu chứng của ung thư bàng quang hoặc sỏi bàng quang.
- Rối loạn thần kinh: Khi tín hiệu thần kinh từ não truyền đến bàng quang và niệu đạo bị cản trở, các cơ tại vùng này trở nên mất kiểm soát, khiến cho nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài.
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân gây tiểu không tự chủ. Những nguyên nhân gây tiểu không tự chủ tạm thời hầu hết đều có thể được cải thiện dễ dàng sau khi chủ động thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt, riêng với các nguyên nhân gây tiểu không tự chủ kéo dài cần được thăm khám và điều trị bệnh để khắc phục.
3. Điều trị tiểu không tự chủ
Phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp. Dưới đây là một số cách chữa tiểu không tự chủ phổ biến:
3.1 Thay đổi lối sống
- Giảm cân: Ở phụ nữ thừa cân, nếu giảm đi một lượng cân nặng ngay cả rất nhỏ cũng có khả năng làm giảm rò rỉ nước tiểu.
- Hạn chế nạp thêm nước: Chỉ nên uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày (1.5 – 2 lít nước/ngày), không nên nạp vào cơ thể quá 2 lít nước mỗi ngày. Đồng thời, hãy hạn chế uống rượu, bia, caffein và các chất kích thích khác.
- Tập luyện cơ bàng quang: Mục tiêu của việc tập luyện cơ bàng quang là giúp kiểm soát việc đi tiểu và tăng khoảng thời gian giữa 2 lần đi tiểu liên tiếp lên mức thời gian bình thường (mỗi 3 – 4 giờ trong ngày và mỗi 4 – 8 giờ vào ban đêm).
3.2 Tập thể dục và vật lý trị liệu
Bài tập Kegel hỗ trợ khắc phục tiểu không tự chủ (Nguồn: Internet)
Bài tập Kegel sẽ giúp làm khỏe cơ thắt vùng chậu để kiểm soát tiểu không kiểm soát do tăng áp lực ổ bụng. Nếu bài tập Kegel không giúp ích thì các bài tập vật lý trị liệu như phản hồi sinh học và kích thích điện có thể được áp dụng.
3.3 Sử dụng thuốc
Có nhiều thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng tiểu không tự chủ và hạn chế tình trạng bàng quang hoạt động quá mức. Khi sử dụng các loại thuốc này người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
3.4 Phẫu thuật
Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, phương pháp phẫu thuật sẽ được xem xét. Tuy nhiên, bác sĩ cần phải cân nhắc yếu tố lợi ích và nguy cơ trước khi quyết định để có thể lựa chọn một loại phẫu thuật phù hợp với bệnh nhân.