Chờ...

Viêm bàng quang – nguyên nhân và các dấu hiệu nhận biết

(VOH) - Viêm bàng quang cấp nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến viêm bàng quang mãn tính và các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những kiến thức cần biết về bệnh viêm bàng quang.

1. Viêm bàng quang là gì?

Viêm bàng quang hay còn gọi là nhiễm trùng bàng quang, là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cấp tính do vi khuẩn trong bàng quang gây ra. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể tái diễn lại nhiều lần trong thời gian dài. Viêm bàng quang cũng có thể do một số loại thuốc, xạ trị hoặc là một biến chứng của bệnh khác.

Viêm bàng quang là một bệnh phổ biến, chiếm khoảng trên 50% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu.

viem-bang-quang-nguyen-nhan-va-cac-dau-hieu-nhan-biet-voh-1

Hình ảnh bàng quang bị viêm (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây viêm bàng quang

Viêm bàng quang cấp tính thường do các loại vi khuẩn gây ra, cùng với đó là các yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

2.1 Vi khuẩn gây bệnh phổ biến

  • Vi khuẩn Escherichia coli (E.coli): chiếm khoảng 70 - 80%.
  • Vi khuẩn Proteus mirabilis: chiếm khoảng 10 - 15%.
  • Vi khuẩn Klebsiella: chiếm 5 - 10%.
  • Vi khuẩn Staphylococcus saprophyticus: chiếm khoảng 5 - 10%.
  • Vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa: 1-2 %.
  • Vi khuẩn Staphylococcus aureus: 1 - 2%.

2.2 Các yếu tố thuận lợi gây bệnh

  • Một số loại thuốc nhất định, đặc biệt là các loại thuốc hóa trị, ví dụ như cyclophosphamide và ifosfamide có thể gây viêm bàng quang.
  • Xạ trị, đặc biệt là xạ trị vùng khung chậu.
  • Dùng ống thông tiểu.
  • Hóa chất: chẳng hạn như tắm bồn với xà phòng tạo bọt, sản phẩm vệ sinh phụ nữ dạng xịt hoặc kem thuốc diệt tinh trùng.
  • Viêm bàng quang do biến chứng của bệnh khác ví dụ như bệnh tiểu đường, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt hoặc tổn thương tủy sống.
  • Bệnh nhân có sỏi hoặc u bàng quang.
  • Bệnh nhân bị hẹp niệu đạo hoặc hẹp bao quy đầu.
  • Phụ nữ đang có thai.

3. Làm sao nhận biết bệnh viêm bàng quang?

Bạn có thể nhận biết bệnh viêm bàng quang từ các biểu hiện bất thường của cơ thể. Các triệu chứng phổ biến của viêm bàng quang gồm có:

  • Áp lực bàng quang và cảm giác đau tăng lên khi bàng quang của bạn đầy.
  • Đau bụng dưới, lưng dưới, xương chậu hoặc niệu đạo (ống mang nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể bạn).
  • Viêm bàng quang ở phụ nữ thường có triệu chứng đau ở âm hộ, âm đạo hoặc khu vực phía sau âm đạo.
  • Viêm bàng quang ở nam giới có triệu chứng đau ở bìu, tinh hoàn, dương vật hoặc khu vực phía sau bìu.
  • Nhu cầu đi tiểu thường xuyên (nhiều hơn bình thường 7 - 8 lần/ngày).
  • Cảm giác bạn cần đi tiểu ngay, thậm chí ngay sau khi bạn vừa đi.
  • Đối với phụ nữ, đau khi quan hệ tình dục.
  • Đối với nam giới, đau khi đạt cực khoái hay sau khi quan hệ tình dục.

viem-bang-quang-nguyen-nhan-va-cac-dau-hieu-nhan-biet-voh-2

Đau bụng dưới và đi tiểu thường xuyên là triệu chứng phổ biến của viêm bàng quang (Nguồn: Internet)

Khi viêm bàng quang chuyển sang giai đoạn mãn tính, người bệnh có thể tiểu rắt, tiểu ra máu (có thể do tác động của sỏi bàng quang hoặc lao bàng quang), tiểu ra mủ (nước tiểu đục),…

Khi có những dấu hiệu trên, bạn không nên chủ quan, kéo dài mà hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám. Việc thăm khám và điều trị sớm sẽ giúp bạn điều trị dễ dàng, nhanh chóng và phòng tránh được biến chứng nguy hiểm.

4. Viêm bàng quang có nguy hiểm không?

Viêm bàng quang cấp tính nếu không điều trị đúng cách và dứt điểm sẽ có nguy cơ chuyển sang viêm bàng quang mãn tính. Khi đó, các triệu chứng sẽ xuất hiện liên tục dai dẳng, gây ra nhiều phiền toái cho bệnh nhân.

Biến chứng của viêm bàng quang mạn tính nguy hiểm nhất là gây nhiễm trùng ngược dòng làm viêm thận (bể thận, đài thận), hậu quả có thể dẫn đến suy thận, tăng huyết áp.

Như vậy, viêm bàng quang là một bệnh lý không thể xem nhẹ mà cần nhận biết sớm và điều trị đúng cách, kịp thời.

5. Điều trị viêm bàng quang bằng phương pháp nào?

Kháng sinh là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm bàng quang gây ra bởi vi khuẩn. Những thuốc được dùng nhiều nhất để điều trị viêm bàng quang là amoxicillin, ciprofloxacin, nitrofurantoin, sulfamethoxazole và trimethoprim.

viem-bang-quang-nguyen-nhan-va-cac-dau-hieu-nhan-biet-voh-3

Điều trị viêm bàng quang bằng kháng sinh (Nguồn: Internet)

Nếu bị viêm bàng quang lần đầu, người bệnh cần dùng kháng sinh trong ba ngày đến một tuần dù cho các triệu chứng có được cải thiện đáng kể trong vòng một ngày. Nếu nhiễm trùng tái phát, người bệnh có thể cần phải sử dụng kháng sinh trong thời gian dài hơn (15 - 20 ngày).

Đối với phụ nữ đã mãn kinh có thể cần phải dùng thêm các loại thuốc estrogen dạng kem.

Ngoài việc dùng kháng sinh thì phương pháp chữa viêm bàng quang còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định cách trị khác nhau bằng việc khắc phục các nguyên nhân.

6. Lời khuyên

Để hỗ trợ điều trị viêm bàng quang có kết quả nhanh chóng và hiệu quả thì bạn nên:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày. Phụ nữ khi vệ sinh vùng kín không nên dội hoặc xịt nước từ sau ra trước.
  • Không nên ngồi lâu và không nhịn tiểu khi buồn tiểu.
  • Nên vệ sinh vùng kín trước và sau khi sinh hoạt tình dục.
  • Uống đủ nước mỗi ngày (1,5 – 2 lít/ngày).
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và thành phần các chất.
  • Vận động cơ thể mỗi ngày bằng các động tác thể dục như đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ, đi cầu thang thay cho thang máy.