Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những điều cần biết về hẹp bao quy đầu ở bé trai và nam giới

(VOH) - Hẹp bao quy đầu gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống cho nam giới. Vậy hẹp bao quy đầu là gì? Có nguy hiểm không và có cần điều trị không?

ThS.Bs Nguyễn Hồ Vĩnh Phước (Chuyên khoa nam học, Bệnh viện Bình Dân) cho biết, trong cấu tạo của dương vật, phần da che chở cho phần đầu dương vật được gọi là da bao quy đầu. Da bao quy đầu có nhiệm vụ bảo vệ phần đầu nhạy cảm bên trong của dương vật. Tuy nhiên, phần da này có thể gặp phải các vấn đề như: viêm, dài hoặc hẹp.

1. Hẹp bao quy đầu là gì?

Hẹp bao quy đầu là tình trạng da quy đầu "cậu nhỏ” không kéo xuống được ngay cả khi cương cứng. Hẹp bao quy đầu thường gặp ở phần lớn các bé trai sau khi sinh ra, tuy nhiên, khi lớn (khoảng 3 tuổi) quy đầu của trẻ sẽ tự tuột ra. Ngoài ra, hẹp bao quy đầu cũng có thể xảy ra do sẹo.

Hẹp bao quy đầu gây trở ngại khi đi tiểu, hoạt động tình dục và tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

2. Nguyên nhân bao quy đầu bị hẹp

Nguyên nhân gây hẹp bao quy đầu có thể do sinh lý hoặc bệnh lý.

2.1 Hẹp bao quy đầu sinh lý

Chiếm hầu hết các trường hợp hẹp bao quy đầu, nguyên nhân do sự phát triển bình thường của các kết dính bẩm sinh giữa bao quy đầu và quy đầu.

Hiện tượng này thường gặp ở các trẻ sơ sinh nam (chiếm khoảng 90%). Khi vừa sinh ra, trẻ không có khả năng bảo vệ bộ phận sinh dục, nên bao quy đầu đảm nhiệm việc bảo vệ khu vực này bằng cách che phủ và dính chặt bao quy đầu.

Những điều cần biết về hẹp bao quy đầu ở bé trai và nam giới 1
Trẻ giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi có thể bị tình trạng hẹp bao quy đầu (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, theo thời gian, bao quy đầu sẽ tự tuột ra khi trẻ khoảng 1 tuổi, hầu hết sẽ bình thường khi trẻ 3 tuổi, một số ít muộn hơn đến khi trẻ dậy thì.

Trẻ em hẹp bao quy đầu có nên cắt bao quy đầu không? Thực tế, việc can thiệp ngoại khoa như nong cắt bao quy đầu cho trẻ sớm là không cần thiết. Cố nong sớm, dương vật có thể bị xước và trẻ sẽ sợ do bị đau, gây khó khăn cho gia đình khi thực hiện tiếp các bước tự nong ở nhà.

Ngoài ra, trẻ sẽ đau đớn mỗi khi đi tiểu, nếu không vệ sinh cẩn thận bao quy đầu  có thể hẹp trở lại. Các can thiệp ngoại khoa cũng có thể dẫn tới các biến chứng như chảy máu, phù nề, nhiễm trùng, tổn thương quy đầu hoặc niệu đạo ngay sau mổ…

Vì thế, trước khi có quyết định nong, cắt bao quy đầu cho trẻ, cha mẹ nên đến cơ sở chuyên khoa khám để bác sĩ đưa ra lời khuyên hợp lý nhất.

Xem thêm: 8 vấn đề liên quan đến việc cắt bao quy đầu, nam giới và cha mẹ có con trai cần nắm rõ

2.2 Hẹp bao quy đầu bệnh lý

Trường hợp này ít gặp hơn (thấp hơn 16%), bao quy đầu có thể bị dính sau khi bị viêm, gây sẹo xơ. Tình trạng này có thể do bẩm sinh hoặc do viêm nhiễm gây ra.

Bẩm sinh

Có tới 15% các trường hợp hẹp bao quy đầu ở người lớn do bẩm sinh, bao quy đầu gắn với quy đầu một cách tự nhiên để bảo vệ quy đầu và lỗ niệu đạo và dương vật. Đến tuổi dậy thì bao quy đầu không thể tự tuột khỏi quy đầu dương vật, có thể là bọc kín hoặc hở một phần nhỏ của quy đầu, lỗ niệu đạo.

Trong một số trường hợp, nam giới trưởng thành trước đó không bị hẹp bao quy đầu nhưng do vệ sinh kém, không chăm sóc tốt phần da quy đầu tạo điều kiện viêm nhiễm, gây sẹo, co rút làm cho phần da này càng ngày càng nhỏ đi và gây ra tình trạng hẹp bao quy đầu.

Bệnh tiểu đường

Bệnh nhân đái tháo đường rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm, nếu không chăm sóc tốt phần da quy đầu cũng dễ gây hẹp bao quy đầu thứ phát.

Hẹp bao quy đầu thường không gây đau. Tuy nhiên, bao quy đầu bị thắt quá chặt có thể gây trở ngại khi đi tiểu hoặc sinh hoạt tình dục. Ngoài ra, hẹp bao quy đầu có thể khiến cho nam giới khó làm sạch phần phía dưới bao quy đầu nên dễ xảy ra nhiễm trùng da.

Ngoài ra, các bác sĩ cho chia tình trạng hẹp bao quy đầu theo 2 dạng hẹp hoàn toàn và bán hẹp bao quy đầu:

Những điều cần biết về hẹp bao quy đầu ở bé trai và nam giới 2
Nam giới có thể bị hẹp bao quy đầu hoàn toàn (Nguồn: Internet)
  • Hẹp bao quy đầu hoàn toàn: là tình trạng bao quy đầu không thể tuột xuống để lộ quy đầu. Trường hợp này nam giới có thể đi tiểu bình thường nhưng những chất dơ, bẩn bên trong sẽ không được vệ sinh.
  • Bán hẹp bao quy đầu: là tình trạng bao quy đầu vẫn có thể tuột xuống, để lộ một nửa quy đầu. Khi dương vật ở trạng thái mềm sẽ không gây cảm giác đau nhưng khi để lâu hoặc lúc dương vật cương cứng sẽ gây đau, khó chịu. Tình trạng này kéo dài có thể gây hiện tượng phù nề, tắc nghẽn.

Những cha mẹ có con trai hoặc nam giới cần phân biệt rõ dạng hẹp bao quy đầu để có hướng can thiệp phù hợp.

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

3. Triệu chứng hẹp bao quy đầu

Triệu chứng chính của hẹp bao quy đầu là không thể kéo bao quy đầu không tự tuột ra khi trẻ lên 3 tuổi.

Ngoài ra, hẹp bao quy đầu còn gây ra các triệu chứng tiểu khó, phải rặn tiểu, đỏ mặt khi tiểu, bao quy đầu sưng phồng. Những trường hợp nghiêm trọng, có thể thấy bao quy đầu bị viêm nhiễm, chảy mủ hay tiết dịch bất thường.

4. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Một số trường hợp, hẹp bao quy đầu không gây ra các triệu chứng thì không cần phải điều trị, đặc biệt là ở các bé trai. Tuy nhiên, nếu trẻ bị hẹp bao quy đầu không có sự cải thiện theo thời gian, gây khó khăn trong việc tiểu tiện và vệ sinh, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Ở trẻ lớn hơn và nam giới trưởng thành, nếu tình trạng hẹp bao quy đầu gây trở ngại cho việc cương cứng và đi tiểu thì cũng cần đến gặp bác sĩ.

Trường hợp bị nhiễm trùng quy đầu hoặc bao quy đầu tái phát cũng cần được thăm khám và đánh giá. Các triệu chứng nhiễm trùng có thể bao gồm:

  • Thay đổi màu sắc quy đầu hoặc bao quy đầu
  • Xuất hiện các đốm hoặc phát ban dưới da
  • Gây đau đớn, ngứa và sưng tấy
group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi-1
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới

5. Chữa hẹp bao quy đầu bằng cách nào?

Thông thường, phác đồ điều trị hẹp bao quy đầu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Các phương pháp điều trị thường là:

5.1 Lộn bao quy đầu

Thường được chỉ định cho trẻ nhỏ và bao quy đầu không có vòng xơ.

Thực hiện lộn bao quy đầu khi trẻ được 5 – 6 tháng tuổi, mỗi lần tắm cho con, cha mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống. Mỗi ngày một chút có thể giúp hỗ trợ bao quy đầu rộng dần và trở lại bình thường.

5.2 Sử dụng thuốc không kê đơn (OTC) hoặc kê đơn

Sử dụng thuốc mỡ và kem bôi có chứa thành phần corticosteroid kết với việc lộn bao quy đầu có thể mang đến hiệu quả. Thuốc có tác dụng chống viêm lam cho quy đầu giãn ra để hỗ trợ cho động tác lộn. Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao trên 85% nếu bạn dùng thuốc mỡ hoặc kem bôi có chứa steroid bôi vào da quy đầu kết hợp với lộn quy đầu ngày 2 lần.

Tuy nhiên, một số loại thuốc có chứa thành phần steroid cần có sự chỉ định của bác sĩ về thời gian và liều lượng dùng thuốc. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn bạn cần tham khảo bác sĩ khi muốn sử dụng thuốc có thành phần steroid để điều trị hẹp bao quy đầu.

Xem thêm: Thuốc chứa corticoid: Những mặt lợi và hại ai cũng cần nắm rõ

5.3 Phẫu thuật

Những điều cần biết về hẹp bao quy đầu ở bé trai và nam giới 4
Phẫu thuật cắt bao quy đầu giúp nam giới thoát khỏi tình trạng bao quy đầu bị hẹp (Nguồn: Internet)

Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Các phương pháp phẫu thuật được áp dụng bao gồm:

  • Cắt bao quy đầu: Là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần bao quy đầu. Cắt bao quy đầu có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi và thường được khuyên dùng cho các trường hợp hẹp bao quy đầu nặng hoặc nhiễm trùng mãn tính.
  • Tạo hình trước: Đây là thủ thuật bao gồm cắt và kéo dài bao quy đầu. Tuy nhiên, thủ thuật này ít toàn diện hơn so với cắt bao quy đầu.
  • Tạo hình bao quy đầu: Là phương pháp nong bao quy đầu có bao gồm phẫu thuật cắt bao quy đầu ở mặt dưới của dương vật, giúp bao quy đầu rộng hơn để nó dể dàng thụt vào trong.  

Hướng dẫn chăm sóc vết thương sau khi cắt bao quy đầu

Sau khi cắt bao quy đầu, bạn cần vệ sinh và chăm sóc vết thương đúng cách để nó sớm hồi phục, đồng thời tránh viêm nhiễm trong thời gian hậu phẫu.

Sau khi cắt bao quy đầu cần lưu ý những điều sau đây:

  • Không băng quá chặt vết thương
  • Không kiêng cữ tắm rửa quá mức để tránh nhiễm trùng
  • Sử dụng thuốc giảm đau theo toa thuốc bác sĩ chỉ định
  • Sử dụng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát trùng để vệ sinh vết thương tại chỗ
  • Thay băng gạc thường xuyên và giữ cho vết thương luôn khô ráo. Nếu trong lúc thay băng bị dính nước tiểu thì phải đổi băng gạc mới.
  • Cố định dương vật lên bụng để tránh bị phù nề, không để dương vật trút xuống làm dịch vết thương dồn xuống phía dưới
  • Khi vệ sinh dương vật có thể dùng gạc y tế để lấy chất bẩn, lau khô rồi băng vết thương lại nhẹ nhàng

Cắt bao quy đầu bao lâu thì quan hệ được?

Thông thường, sau khi cắt bao quy đầu vết thương sẽ lành lại sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, do phần da quy đầu khá lỏng lẻo, nếu quan hệ sớm có thể làm bung vết khâu nên thời gian quan hệ an toàn nhất là sau 3 – 4 tuần. 

Để chắc chắn, sau khi cắt bao quy đầu nam giới nên đi tái khám để đánh giá tình trạng lành của vết thương. Trong trường hợp da chưa lành tốt, có dấu hiệu đỏ, phù nề thì không nên quan hệ. Hãy đợi vết thương ổn định hoàn toàn thì mới quan hệ lại bình thường để yên tâm hơn.

Nhìn chung, hẹp bao quy đầu có thể là một tình trạng nghiêm trọng và gây đau đớn. Tuy nhiên, nó có thể điều trị được và thường mang đến hiệu quả khả quan. Điều quan trọng là bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế khi các triệu chứng hẹp bao quy đầu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Bạn có thể nghe thêm phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước về tình trạng hẹp bao quy đầu tại audio bên dưới:

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới

🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 MHz Hà Nội.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html

Youtube: youtube.com/c/BiMatNamGioiVOH

Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH

Group thảo luận kín: fb.com/groups/BiMatNamGioi

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh

Bình luận