Sau khi ăn con so trong bữa tối, ông H.V. C. (61 tuổi, trú tại thành phố Hạ Long) xuất hiện tình trạng cứng hàm, tê môi, tê lưỡi, bồn chồn, khó thở khó nói, vận động khó khăn, được người nhà đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khai thác thông tin bệnh lý, thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và xác định tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc do ăn so biển.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp xử trí cấp cứu thải độc theo phác đồ (giảm tiết, rửa dạ dày, cân bằng dịch điện giải). Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, các triệu chứng ngộ độc thuyên giảm.
Thông tin chia sẻ từ ông H.V.C., dù biết con so biển có độc tính nhưng bệnh nhân vẫn chủ ý ăn vì đã từng ăn so biển nhiều lần trước đây mà chưa bị ngộ độc.
Theo nghiên cứu y khoa, độc tố Tetrodotoxin có trong con so biển, tập trung chủ yếu ở buồng trứng. Đặc biệt vào mùa sinh sản, độc tố này có nồng độ càng cao. Ngoài ra, cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển… cũng chứa độc tố Tetrodotoxin.
Chuyên gia cho biết: “Độc tố Tetrodotoxin có độc tính rất mạnh, bền vững với nhiệt, các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc. Độc tố gây ảnh hưởng chủ yếu trên thần kinh (đặc biệt là liệt), ngoài ra còn ảnh hưởng đến tim mạch và tiêu hóa.
Nhiều cơ sở y tế ghi nhận những trường hợp bệnh nhân ngộ độc so biển tử vong trên đường vận chuyển cấp cứu do ở trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế.
Mặc dù các bệnh viện nhiều lần cảnh báo và tích cực thông tin truyền thông liên quan đến các ca ngộ độc nhưng tình trạng người dân nhập viện do ngộ độc con so biển vẫn diễn ra.