Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bò cạp cắn phải làm sao?

(VOH) - Không ai có thể khẳng định rằng bò cạp sẽ chẳng bao giờ cắn mình, chính vì thế, bỏ túi cách sơ cứu khi chẳng may bị bò cạp cắn là việc làm không bao giờ thừa.

Bị bò cạp cắn có sao không?

Bò cạp hay bọ cạp hoặc bù cạp là giống động vật không xương sống, có 8 chân, thuộc lớp động vật hình nhện. Bò cạp được đặc trưng bởi một chiếc đuôi có móc độc.

Khi bò cạp cắn, tại vết thương sẽ có các triệu chứng đau và sưng nhẹ. Thông thường, vết cắn bò cạp chỉ gây đau đớn và rất hiếm khi gây chết người. Chỉ khoảng 30 trong 1500 loài bò cạp mới có thể gây tử vong.

bo-cap-can-phai-lam-sao-voh-1

Đuôi của bò cạp có các tuyến nọc độc (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Hà Anh Tuấn – Trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ), bò cạp ở Việt Nam có độc tính không cao, nhiều người còn dùng bọ cạp ngâm rượu uống chữa chứng đau nhức. Những loài bọ cạp có nọc độc gây chết người chỉ có ở châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ.

Tuy nhiên, bất cứ vết cắn nào của bò cạp cũng đều có thể gây phản ứng dị ứng. Cho dù xác định được loài bò cạp cắn không gây hại nhưng cũng cần xử lý vết thương đúng cách.

Triệu chứng khi bị bò cạp cắn

Vết cắn (chích) của bò cạp Việt Nam thường gây sưng, nóng, đỏ và đau nhức trong vòng 12 giờ, nhưng không gây chết người.

Trong một số trường hợp, người bị bò cạp cắn cảm thấy hơi bị ngứa rát ở chỗ bị cắn, chóng mặt, đổ mồ hôi, chảy nước mắt, nước mũi, buồn nôn, cứng chân tay,…Trường hợp nặng hơn có thể bị co giật toàn thân, bị rối loạn nhịp tim,…

Bị bò cạp cắn phải làm sao?

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo nếu bị bò cạp cắn phải xử lý càng sớm càng tốt, bởi nếu để quá 6 giờ, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt là người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch.

Dưới đây là cách sơ cứu khi bị bò cạp cắn:

bo-cap-can-phai-lam-sao-voh-2

Sát khuẩn vết cắn để tránh nhiễm khuẩn (Nguồn: Internet)

  • Đầu tiên, bạn cần rửa sạch vết thương, sát trùng tại vết cắn bằng Povidine 10% hoặc cồn 70 độ.
  • Tiếp theo, chườm lạnh để giảm sưng.
  • Dùng thuốc giảm đau như aspirin, parocetamol,…và thuốc kháng histamin H1 làm dịu như phenergan, chlorpheniram, diphenhydramin. Đôi khi phải dùng tới corticosteroid, dapson để cải thiện tổn thương da.

Lời khuyên: Bác sĩ Tuấn cũng cho biết, nọc của các loại chân đốt như rết, nhện, bò cạp,...có thể chứa chất độc thần kinh hoặc một men gây sưng phồng. Chúng có thể gây triệu chứng toàn thân như sốt, lạnh, nôn, ban da, ngứa, vàng da, co cứng cơ, đau chuột rút, cứng cả một vùng, nhiễm khuẩn. Các triệu chứng này không phải thường gặp, nhưng tốt nhất là sau khi sát trùng vết cắn, bạn phải đến ngay bệnh viện để được sơ cứu đúng cách.

Biện pháp phòng tránh bò cạp cắn

Bò cạp thường ẩn nấp và tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Do đó, nếu bạn sống trong khu vực thường có bò cạp, bạn nên tránh gặp chúng bằng cách:

  • Di chuyển thùng rác, khúc gỗ, các tấm biển, đá, gạch và những nơi bò cạp có thể trú ẩn xung quanh nhà bạn.
  • Cắt cỏ, tỉa các bụi cây và cành cây nhô ra để tránh tạo thành đường dẫn cho bò cạp lên mái nhà.
  • Không dự trữ củi bên trong nhà.
  • Khi đi bộ đường dài hoặc cắm trại, hãy mặc áo dài tay, mặc quần dài và kiểm tra túi ngủ trước khi sử dụng.
  • Nếu bạn bị dị ứng vết đốt do côn trùng, hãy mang theo dụng cụ tiêm epinephrine, ví dụ như EpiPen.

Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bò cạp cũng như có thể xử lý an toàn khi chẳng may bị nó cắn. Bên cạnh đó, hãy phòng tránh bị bò cạp cắn để bảo vệ toàn diện cho sức khỏe.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang tuoitre.vn
  2. Trang hellobacsi.com
  3. Trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở
Bị rết cắn phải làm sao?: Bất cứ ai cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể xử lý an toàn khi chẳng may bị rết cắn. 
Khi bị nhện cắn phải xử lý thế nào?: Nhện rất hiếm khi cắn người nhưng không phải là hoàn toàn không xảy ra. Chính vì thế, mọi người nên biết cách xử lý vết cắn của nhện khi chẳng may bị nhện cắn.
Bình luận