Chờ...

Bò sản xuất insulin đầu tiên trên thế giới, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

VOH - Các nhà nghiên cứu đã biến đổi gen một con bò nâu ở Brazil để sản xuất insulin của người trong sữa, đánh dấu bước đột phá trong nghiên cứu điều trị bệnh tiểu đường.

Thành tựu đổi mới này có thể dẫn đến việc điều trị bệnh tiểu đường dễ hơn và giá cả phải chăng hơn, đồng thời có khả năng giảm bớt các vấn đề về khan hiếm insulin cũng như gánh nặng tài chính liên quan đến việc điều trị.

Tác giả chính của nghiên cứu Matt Wheeler, giáo sư tại Khoa Khoa học Động vật tại Đại học Illinois cho biết: “Mẹ Thiên nhiên đã thiết kế tuyến vú như một nhà máy sản xuất protein thực sự rất hiệu quả. Chúng tôi có thể tận dụng hệ thống đó để tạo ra một loại protein có thể giúp ích cho hàng trăm triệu người trên toàn thế giới”.

bò
Nghiên cứu sử dụng các kỹ thuật kỹ thuật di truyền để tích hợp đoạn DNA của con người sản xuất proinsulin vào phôi bò - Ảnh: stock.adobe.com

Xem thêm: Bệnh nhân tiểu đường có dùng được dầu cá không?

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Công nghệ sinh học đã sử dụng các kỹ thuật di truyền để tích hợp đoạn DNA của con người sản xuất proinsulin vào phôi bò.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois Urbana-Champaign và Đại học São Paulo đảm bảo rằng, tiền chất insulin của con người sẽ chỉ hoạt động trong các mô vú của bò, ngăn chặn bất kỳ loại insulin nào xâm nhập vào máu và chỉ sản xuất trong sữa của bò.

Sau khi con bò biến đổi gen trưởng thành, sữa mà nó tạo ra chứa cả proinsulin và insulin - một bước đột phá “kỳ diệu” vì các nhà nghiên cứu chỉ mong đợi con bò sản xuất ra proinsulin, để sau đó các nhà khoa học tinh chế proinsulin từ bên ngoài thành insulin.

Tuy nhiên, thực tế, tuyến vú bò đã tự hoạt động để xử lý proinsulin thành insulin. Giáo sư Wheeler nói: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra proinsulin, tinh chế nó thành insulin. Nhưng về cơ bản, con bò đã tự xử lý và có thể tạo ra khoảng 1 - 3 dạng insulin có hoạt tính sinh học”.

Các nhà nghiên cứu chưa thể nói chính xác lượng insulin sẽ được tạo ra trong một chu kỳ tiết sữa điển hình. Giáo sư Wheeler giải thích rằng, nếu một con bò có thể sản xuất một gam insulin trên mỗi lít sữa và một con bò sản xuất 40 đến 50 lít mỗi ngày thì đó là một lượng đáng chú ý.

Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục cải tiến kỹ thuật thông qua tái nhân bản và tối ưu hóa quá trình cho con bú, nhằm tạo ra một đàn bò biến đổi gen có thể vượt xa khả năng sản xuất insulin hiện tại mà không cần công nghệ cao.

Giáo sư Wheeler cho biết: “Tôi có thể nhìn thấy tương lai nơi một đàn bò 100 con, tương đương với một đàn bò sữa nhỏ ở Illinois hoặc Wisconsin, có thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết cho cả nước. Và với một đàn lớn hơn, chúng có thể cung cấp insulin cho cả thế giới trong một năm”.