“Bữa cơm gia đình – Tổ ấm hạnh phúc”

(VOH) - Ngày Gia đình Việt Nam năm nay có chủ đề "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" với ý nghĩa tôn vinh những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm.

Bữa cơm nêu cao những giá trị của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ, sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Bữa cơm gia đình có ý nghĩa như thế nào?. Ảnh minh họa: Internet 

Bữa cơm gia đình có ý nghĩa như thế nào?. Ảnh minh họa: Internet 

Việc chăm chút và duy trì bữa cơm gia đình chính là cách để giữ gìn hạnh phúc, mái ấm và giữ gìn nề nếp, gia phong của mỗi gia đình trong việc bảo tồn những giá trị truyền thống của nền văn hoá Việt. Vậy bữa cơm gia đình có ý nghĩa như thế nào? VOH phỏng vấn Tiến sỹ Xã hội học, Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia. 

VOH: Thưa bà, truyền thống, văn hóa của người Việt Nam từ xưa tới nay vẫn coi bữa cơm gia đình là không gian sinh hoạt chung, là nơi chia sẻ kinh nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Vậy, theo bà, bữa cơm gia đình có ý nghĩa như thế nào trong việc vun đắp hạnh phúc và xây dựng nhân cách người Việt Nam?

TS. Phạm Thị Thúy: Bữa cơm chung vô cùng quan trọng trong hạnh phúc của gia đình. Đặc biệt là trong việc nuôi dạy con cái. Bữa ăn giúp cho cha mẹ và con cái thể hiện được tình yêu thương lẫn nhau. Đặc biệt là có thể chia sẻ tâm tình với con những lời dặn dò, yêu thương của cha mẹ trong bữa ăn sẽ đi vào tâm hồn của đứa trẻ. Và khi đó trẻ cũng cảm nhận được cha mẹ là người gần gũi yêu thương mình nhất, quan tâm đến mình nhất thì lúc đó đứa trẻ mới mở lòng ra.

Nhưng có một điều rất quan trọng trong việc dạy con, đó là: Trong bữa ăn nên tránh không nói những điều không tốt, không vui. Nhất là những lời trách móc hay sửa sai với trẻ, mà nên để một dịp khác thì bữa ăn sẽ tạo ra một cái hồn cho gia đình, cái lửa ấm cho gia đình trong thái độ của chúng ta đối với nhau khi chúng ta nấu ăn cũng như bày biện món ăn và ngồi ăn chung với nhau. Thái độ vui vẻ, hạnh phúc, quan tâm và yêu thương chia sẻ của cha mẹ đối với con cái là quan trọng nhất trong bữa ăn.

VOH: Hiện nay, tại các đô thị lớn, nhiều gia đình thường xuyên lâm vào cảnh cơm hàng cháo chợ. Vậy, liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ ly hôn tại các thành phố lớn nhiều hơn ở khu vực khác không?

TS. Phạm Thị Thúy: Chưa có nghiên cứu sâu về vấn đề bữa ăn chung mà ít thì ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nhưng từ thực tế tôi làm công tác nghiên cứu về hạnh phúc gia đình về giáo dục con. Đặc biệt, 18 năm qua tôi làm tư vấn tâm lý thì tất cả các gia đình có đổ vỡ, có xung đột, lạnh nhạt trong quan hệ vợ chồng. Đặc biệt là có trục trặc trong vấn đề dạy con thì khi tôi hỏi đều rất ít bữa ăn chung. Cha mẹ bận, con cái bận, ai cũng bận và cuối cùng là họ không có thời gian để chia sẻ với nhau và đó là nguyên nhân chính khiến cho hạnh phúc của họ đã vỗ cánh bay đi.

VOH: Vậy theo suy nghĩ của bà thì hiện nay chia sẻ việc nhà có còn là đặc quyền dành riêng cho phụ nữ hay không? Và bà có lời khuyên nào giúp các bà vợ có thể lôi kéo chồng mình tham gia vào công việc nhà?

TS. Phạm Thị Thúy: Nếu đàn ông vào bếp được thì hạnh phúc gia đình sẽ nhân đôi và thể hiện là người yêu vợ, yêu con nhất. Và người vợ sẽ cảm nhận được tình yêu thương nhanh nhất qua thông điệp đó. Vậy làm thế nào để mời gọi chồng cùng chia sẻ việc nhà? Phụ nữ chỉ cần ngọt ngào, dùng những câu khen ngợi. Thậm chí nhờ vả, đề cao để ông chồng thấy được tầm quan trọng của mình thì sẽ sẵn sàng giúp vợ. Thực ra tôi thấy nhiều gia đình phụ nữ mắc một cái sai lầm vì nghĩ là đàn ông chỉ nên làm việc lớn thôi. Và thấy chồng mà cứ loanh quanh trong bếp giúp vợ, giúp con là cảm thấy không thích. Tôi cho rằng phụ nữ nên thay đổi lại. Vai trò của vợ và chồng trong gia đình đều như nhau.

Ngoài xã hội chúng ta có vai trò riêng nhưng trong gia đình không có ai hơn ai đâu và đừng nghĩ chuyện nhà mới là chuyện của vợ còn xã hội mới là chuyện của chồng. Bây giờ không nên quan niệm như thế nữa. Trong gia đình muốn hạnh phúc thì cả hai phải cùng tham gia, đi chợ, nấu nướng, chăm sóc tham gia dạy dỗ con cái. Chúng ta nhớ là một cái tiếng vỗ tay muốn giòn giã, muốn hay thì phải có hai bàn tay. Hai bàn tay này phải vỗ đều và vỗ khỏe. Trong gia đình cũng thế, muốn gia đình hạnh phúc thì hai vợ chồng cùng tham gia thì hạnh phúc gia đình mới tròn đầy.

VOH: Quan niệm truyền thống cho rằng, phụ nữ là “nữ tướng” trong gia đình, phải chuyên tâm lo tề gia nội trợ. Theo bà, quan điểm này liệu có quá khắt khe với phụ nữ không khi mà chị em vừa phải đảm nhiệm vai trò trong xã hội vừa phải hoàn thành tốt thiên chức của mình?

TS. Phạm Thị Thúy: Quan niệm phụ nữ là nữ tướng trong gia đình theo tôi đó là quan niệm xưa rồi và nó không còn phù hợp với xã hội hiện nay nữa khi phụ nữ cũng có những vai trò không khác gì đàn ông ngoài xã hội. Vì vậy, ai trong gia đình mà có thể làm được việc gia đình nhiều hơn, đi chợ nấu ăn nhiều hơn thì đó là người hạnh phúc. Có thể là đàn ông, có thể là đàn bà, không nhất thiết phải là vợ.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Cán bộ Hành chính quốc gia (cơ sở TP HCM). Ảnh: VGP.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Cán bộ Hành chính quốc gia (cơ sở TP HCM). Ảnh: VGP.

VOH: Nhân đây bà có nhắn nhủ gì để bữa cơm gia đình và những ngày nghỉ cuối tuần không phải là mơ ước “xa xỉ” như hiện nay?

TS. Phạm Thị Thúy: Thực ra nhiều gia đình họ coi nhẹ bữa cơm và coi trọng công việc nhiều hơn. Coi trọng việc đi học của con cái nhiều hơn. Cho nên họ nghĩ bữa cơm mà không ăn chung cũng dâu có sao nhưng nếu mọi người suy nghĩ lại sẽ thấy thiếu vắng đi bữa cơm sẽ thiếu vắng đi rất nhiều cơ hội làm nên tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Vậy tại sao người ta gọi gia đình là tổ ấm chính là họ nói đến mối quan hệ yêu thương của con người với con người trong gia đình đó. Chứ không phải trong gia đình đó ai có tiền bạc, địa vị bao nhiêu. Con cái học trường này trường kia mà chính là cái hạnh phúc nó thể hiện trong cảm xúc của mỗi người. Vì vậy không có gì thay thế được bữa cơm đâu. Nên cố gắng dù bận mấy bạn hãy sắp xếp vì mọi thứ ở trong tay chúng ta thôi. Không ai có thể sắp xếp thay bạn được.

Tôi tin rằng, những người biết rõ được ý nghĩa của bữa cơm gia đình đều sắp xếp được thời gian để ăn chung với người mình thương yêu. Tôi thấy những chính trị gia trên thế giới họ cũng dành thời gian cho gia đình. Người ta cũng nấu ăn cho gia đình. Thậm chí tôi thấy Bill Gates ông ấy còn rửa bát cho vợ thì tại sao những người khác không thể làm được. Tất cả chỉ là ngụy biện để không làm. Chứ chúng ta muốn thì chúng ta sẽ làm được.

Xin cám ơn bà!