Bưởi nhiều chất xơ có thể ăn thay thế rau xanh?

(VOH) - Chuyên gia dinh dưỡng Lâm Di Văn của Cathay Pacific Health Management nhắc nhở rằng, mặc dù bưởi là một loại trái cây giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ, nhưng vẫn ẩn chứa “5 cái bẫy sức khỏe”

Loại trái cây chúng ta thấy nhiều nhất trong ngày Tết Trung thu là “trái bưởi”, nó không chỉ giàu Vitamin C, chất xơ và Kali mà còn có tác dụng chống Oxy hóa, cải thiện tình trạng táo bón, cải thiện huyết áp.

Chuyên gia dinh dưỡng Lâm Di Văn của Cathay Pacific Health Management nhắc nhở rằng, mặc dù bưởi là một loại trái cây giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ, nhưng vẫn ẩn chứa “5 cái bẫy sức khỏe”, khuyến nghị chúng ta chỉ nên ăn một vài múi, không nên ăn nhiều.

Bưởi nhiều chất xơ có thể ăn thay thế rau xanh? 1
Bưởi nhiều chất xơ nhưng không thể ăn thay thế rau xanh (Nguồn: https://health.tvbs.com.tw)

1. Bưởi là loại trái cây nhiều đường, cẩn thận lượng đường trong máu tăng cao khi ăn

Bưởi thuộc loại “trái cây” trong 6 loại thực phẩm chính, trong đó có tỷ lệ Cacbohydrat cao nhất (Carbohydrate là một thành phần cơ bản trong thức ăn mà cơ thể con người sử dụng để tạo ra năng lượng).

Trung bình 1 trái bưởi cân nặng 1 kg chứa khoảng 45 gram đường, nếu bệnh nhân tiểu đường ăn hết 1 trái bưởi thì tương đương ăn 3 khẩu phần trái cây, dễ gây ra lượng đường trong máu tăng cao. 150 gram bưởi được tính là 1 khẩu phần trái cây.

Những người có lượng đường trong máu không ổn định đặc biệt cần cẩn trọng khi ăn bưởi, khuyến nghị mỗi lần ăn bưởi nên lấy 1 khẩu phần trái cây làm tiêu chuẩn.

2. Bưởi có hàm lượng Kali cao, người thận kém cẩn thận ăn bưởi

Bưởi cũng là một loại trái cây có hàm lượng Kali khá cao, nó chứa 216 mg Kali trên 100 gram. Chức năng thận bất thường sẽ làm giảm khả năng bài tiết Kali.

Nếu chúng ta tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa Kali, có thể nồng độ Kali trong máu tăng cao, dẫn đến tăng Kali máu (tăng Kali máu là nồng độ Kali huyết thanh > 5,5 mEq/L, thường là kết quả của giảm bài tiết Kali của thận hoặc dịch chuyển Kali bất thường ra khỏi tế bào).

Tăng Kali máu có thể gây cho chúng ta yếu cơ và tê, cảm giác bất thường, tê môi, gân không phản xạ, nhịp tim chậm, tăng thông khí phổi, rối loạn nhịp tim và thậm chí đột tử.

Những người bị bệnh thận cần cẩn thận không nên ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi.

3. Bưởi nhiều chất xơ, khó tiêu và dễ đầy hơi

Chuyên gia dinh dưỡng Lâm Di Văn cho biết, bưởi là loại trái cây giàu chất xơ, cứ 100 gram múi bưởi thì có 1 gram chất xơ.

Ăn quá nhiều chất xơ có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như bụng đầy hơi và tiêu chảy, nhu động ruột tăng nhanh (Nhu động ruột là hoạt động co bóp hoặc tiêu hóa thức ăn của ruột).

Do đó những người có chức năng tiêu hóa kém và dễ bị tiêu chảy nên tránh ăn nhiều bưởi cùng một lúc, khuyến nghị nên ăn xen kẽ với các loại trái cây khác để giảm gánh nặng cho dạ dày và đường ruột.

4. Với cùng một trọng lượng, bưởi có lượng calo cao gấp 2,5 lần so với rau xanh

Ngoài ra, một số người lầm tưởng rằng bưởi giàu chất xơ nên có thể ăn thay thế rau xanh và ăn nhiều là tốt.

Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Lâm Di Văn chỉ ra rằng, mức chênh lệch lượng calo giữa rau xanh và bưởi cùng trọng lượng là 2,5 lần, và lượng đường chênh lệch hơn 3 lần, 100 gram rau xanh chỉ có 25 calo, nhưng 1 khẩu phần bưởi có 60 calo.

Mỗi ngày nếu thay thế 4 đến 5 khẩu phần rau xanh bằng khẩu phần trái cây, như vậy chúng ta mỗi ngày sẽ tăng khoảng 200 calo, dẫn đến cơ thể chúng ta nạp dư thừa quá nhiều calo.

Nếu chúng ta đang thực hiện chế độ giảm cân, ăn nhiều bưởi nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả giảm cân.

Bưởi nhiều chất xơ có thể ăn thay thế rau xanh? 2
Cẩn thận ăn bưởi trong thời kỳ sử dụng thuốc trị bệnh (Nguồn: Internet)

5. Cẩn thận ăn bưởi và dùng thuốc dễ dẫn đến tương tác thuốc

Chuyên gia dinh dưỡng Lâm Di Văn cho biết, thành phần Furanocoumarin trong bưởi có thể ức chế cơ thể con người chuyển hóa enzym CYP3A4.

Khi enzym bị ức chế, tốc độ phân hủy thuốc của cơ thể sẽ chậm lại, hoặc gây ra nồng độ thuốc vào máu tăng bất thường, do đó kéo dài thời gian thuốc ở trong cơ thể, có thể kéo dài vài giờ, thậm chí hai, ba ngày.

Ví dụ, thuốc an thần và thuốc ngủ, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, thuốc ức chế miễn dịch …… có thể có tương tác bất lợi khi đang sử dụng thuốc mà ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi.

Chuyên gia dinh dưỡng Lâm Di Văn khuyến cáo, trước khi ăn bưởi trong thời kỳ sử dụng thuốc trị bệnh, hãy đọc hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ để xác nhận liệu có nguy cơ tương tác thuốc hay không? (Tương tác thuốc là sự tác dụng qua lại lẫn nhau giữa thuốc này với thuốc khác, giữa thuốc với tình trạng sinh lý hoặc bệnh lý của cơ thể và cũng có thể là với một số loại thực phẩm mà họ dùng). Nếu có ăn bưởi thì tốt hơn hết chỉ nên ăn một lượng nhỏ.