Ca mắc tiếp tục tăng, cần tiêm đủ các mũi vaccine Covid-19

VOH - Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 4/5, tỉ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1) chỉ đạt 73% so với mũi 1.

Mũi 4 (nhắc lại lần 2) hiện đang được triển khai cho nhóm nguy cơ cao, gồm người suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, người cao tuổi, tuy nhiên tỉ lệ tiêm chủng còn thấp.

Tại TPHCM, những ngày gần đây do lo ngại dịch Covid-19 tăng trở lại, lượng người đi tiêm vaccine có xu hướng gia tăng. Theo ghi nhận, những người đến điểm tiêm vaccine chủ yếu là người lớn tuổi, người có bệnh nền (đái tháo đường, suy thận...) và cả người trẻ tuổi.

Hiện theo các nghiên cứu đánh giá, vaccine Covid-19 hiện có vẫn còn tác dụng với biến chủng Omicron và các biến thể mới của nó.

Ca mắc tiếp tục tăng, cần tiêm đủ các mũi vaccine Covid-19 1
Ca mắc tiếp tục tăng, cần tiêm đủ các mũi vaccine Covid-19 - Ảnh: internet 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vaccine Covid-19. Trong đó, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối ở nhóm từ 5 tuổi trở lên, và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho cá nhân và những người xung quanh.

Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm nhắc các liều tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh. Hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn tiêm mũi nhắc lại lần 3 (mũi 5).

Mặc dù nhiều người dân mong muốn tiêm mũi nhắc lại lần 3 (mũi 5), tuy nhiên theo thống kê, hiện nay mũi tiêm vaccine Covid-19 nhắc lại lần 1 (mũi 3) mới chỉ đạt 73% so với mũi 1. Trong khi đó, mũi 3 là mũi tiêm nhắc lại cho tất cả các đối tượng; mũi 4 khuyến cáo tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao nhằm duy trì miễn dịch, phòng tránh nguy cơ chuyển nặng và tử vong.

Trong khi chờ hướng dẫn tiêm chủng tiếp theo của Bộ Y tế, người dân cần tiêm đủ liều và đúng lịch theo hướng dẫn hiện nay.

Nhóm ưu tiên cao tiêm vaccine Covid-19: Tất cả những người lớn tuổi; những người trẻ tuổi mắc các bệnh nền nghiêm trọng (ví dụ: bệnh tiểu đường và bệnh tim); những người có tình trạng suy giảm miễn dịch (ví dụ: người nhiễm HIV, người được ghép tạng), bao gồm cả trẻ em đến 6 tháng tuổi; người mang thai; và nhân viên y tế tuyến đầu.

Đối với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi, mặc dù tỷ lệ chung là thấp nhưng gánh nặng do mắc Covid-19 nặng vẫn cao hơn so với nhóm trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, do đó cần tiêm cho nhóm này.

Đối với phụ nữ mang thai, việc tiêm phòng bao gồm cả liều bổ sung nếu đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ liều cuối cùng sẽ giúp bảo vệ cả mẹ và thai nhi, đồng thời giúp giảm khả năng trẻ sơ sinh phải nhập viện.

Đối với nhóm ưu tiên cao, cần tiêm nhắc lại sau 6 hoặc 12 tháng kể từ liều cuối cùng, với khoảng cách thời gian tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.