Cà tím “có độc” như nhiều người hay nói không?

VOH - Cà tím thường có nhiều vào mùa hè, vừa rẻ vừa bổ, cà tím chứa nhiều vitamin, khoáng chất và anthocyanin có tác dụng bảo vệ mắt và tim mạch.

Tuy nhiên, cà tím cũng là một trong những loại rau mà không ít người “ghét nhất”. Bởi vì, họ nghe nói cà tím có “độc”.

Cà tím “có độc” như nhiều người hay nói không? 1

Nếu ăn hơn 2,6 kg cà tím trong một ngày mới có thể gây ra ngộ độc solanine - Ảnh: TVBS

Cà tím giàu chất dinh dưỡng và có nhiều lợi ích

Cà tím rất giàu vitamin, canxi, magiê, kali và các chất dinh dưỡng khác, đồng thời cũng giàu chất xơ và hợp chất saponin, giúp hạ huyết áp và cholesterol xấu, được mệnh danh là “thần dược lọc máu”.

Vỏ cà tím chứa nhiều hợp chất polyphenol chống lại các gốc tự do, nó có thể hoạt động như chất chống oxy hóa, có nghĩa là nó có thể vô hiệu hóa các gốc tự do có hại gây hại cho tế bào và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và bệnh tim mạch.

Cà tím có nhiều chất dinh dưỡng và nhiều lợi ích, nhưng cũng nghe nói cà tím “có độc”?. Vì thế, có một số người ghét cà tím là nguyên do này đây.

Lu Mengfan, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiêm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, cà tím bị nhiều người coi là “có độc ”, điều này có liên quan đến cà tím có chứa chất độc “alpha-solanin” (alpha-solanine).

Người cân nặng 60kg có thể “ngộ độc” nếu ăn 2,6kg cà tím

Chất solanine không chỉ có trong cà tím, nó còn có trong cà chua và tất cả các loại cây thuộc họ Cà. Người ta thường biết rằng, khoai tây nảy mầm cũng chứa solanine nên rất độc. Chuyên gia dinh dưỡng Lu Mengfan cho biết, so với khoai tây nảy mầm, ăn cà tím ít gây ngộ độc solanine hơn.

Ngộ độc solanine có các triệu chứng ban đầu là tê cứng và ngứa ran ở lưỡi, ở cổ họng, đau rát trong dạ dày, ói mửa và tiêu chảy. Sau đó, người bị ngộ độc solanine sẽ giãn đồng tử, ù tai, hưng phấn và co giật nghiêm trọng, khiến bất tỉnh và thậm chí tử vong.

Chuyên gia Lv Mengfan trích dẫn một nghiên cứu khoa học cho thấy, liều độc của solanine là từ 2 đến 5 mg/kg thể trọng con người, lấy ví dụ một người cân nặng 60 kg nếu nuốt khoảng 120-300 mg solanine thì có thể bị ngộ độc.

Người ta tính toán rằng, mỗi gram cà tím tươi chứa khoảng 0,04375 mg solanine, cho nên cần ít nhất 2,6 kg cà tím mới có thể gây ra ngộ độc.

Trong điều kiện bình thường, một người “khó” có thể ăn nhiều cà tím như vậy một ngày (ăn 2,6 kg), nên hiếm khi xảy ra trường hợp ăn cà tím mà bị ngộ độc solanine.

Ngược lại, hàm lượng solanine trong phần nảy mầm của khoai tây khá cao, chuyên gia dinh dưỡng Lu Mengfan cho biết, thay vì lo lắng về việc ngộ độc solanine và không dám ăn cà tím, thì việc không ăn khoai tây đã nảy mầm sẽ thực tế hơn.

Cách ngăn ngừa ngộ độc solanine

Trên thực tế, cách tốt nhất để ngăn ngừa ngộ độc solanine là cà tím cần được chế biến chín trước khi ăn, không ăn cà tím sống. Đồng thời kiểm soát liều lượng ăn vào, ăn có chừng mực, không vì ngon miệng mà ăn quá nhiều.

Khi chế biến món ăn từ cà tím cho thêm một ít giấm hoặc nước cốt chanh vào cũng có thể giúp tiêu diệt và phân hủy solanine, tránh ngộ độc solanine rất hiệu quả.

Khi ăn cà tím không nên gọt bỏ vỏ mà tốt nhất là nên ăn luôn cả vỏ, bởi vì vỏ cà tím chứa nhiều vitamin B, giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa và hấp thụ vitamin C, rất có lợi cho cơ thể; không nên ăn cà tím với thịt cua và không chọn mua cà tím già sẽ ăn không ngon.

Cà tím sau khi chế biến đúng cách vừa ngon vừa bổ dưỡng, mọi người cứ an tâm ăn không phải lo sợ ngộ độc solanine, càng ăn càng thích cà tím!

Bình luận