Tiêu điểm: Nhân Humanity

Các bệnh cơ xương khớp thường gặp và cách phòng tránh

VOH - Các bệnh cơ xương khớp đang có xu hướng trẻ hóa, không chỉ gặp ở người trung niên, cao tuổi mà còn gặp ở cả người trẻ.

Tuyệt đối không nên chủ quan vì ai cũng có nguy cơ mắc những bệnh cơ xương khớp. Dưới đây là các bệnh cơ xương khớp thường gặp và cách phòng tránh.

Các bệnh cơ xương khớp thường gặp

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh xương khớp viêm nhiều khớp và có thể ảnh hưởng lên các cơ quan ngoài khớp. Bệnh thường xảy ra ở nữ giới hơn nam giới và độ tuổi thường mắc bệnh là tuổi trung niên.

Triệu chứng bệnh thường gặp nhất là sưng, nóng, đau và hạn chế vận động các khớp ở bàn tay, thường đối xứng 2 bên.

Người bệnh đau liên tục ban ngày lẫn ban đêm. Ngoài ra, người bệnh thường có cứng khớp buổi sáng với thời gian kéo dài > 30 phút.

Khi bệnh kéo dài và tiến triển nặng, người bệnh sẽ bị biến dạng khớp ở bàn tay điển hình trong viêm khớp dạng thấp làm người bệnh hạn chế vận động và sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, trong giai đoạn trễ, viêm khớp dạng thấp có thể biểu hiện những triệu chứng ngoài khớp như xuất hiện các nốt dưới da, khô mắt, khô miệng, ảnh hưởng lên tim, phổi... và có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Ảnh minh họa – 16-01-2025

Ảnh minh họa: Internet

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương phần sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo các phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp.

Tuổi tác, tình trạng béo phì hay những chấn thương nhẹ hoặc mãn tính ở khớp là các yếu tố quan trọng liên quan đến thoái hóa khớp.

Thoái hóa khớp bao gồm cả sụn, khớp, cả những tổn thương thoái hóa tại các đĩa liên đốt. Đặc trưng của căn bệnh là sự thoái hóa của sụn và sự phì đại xương tại các diện khớp.

Biểu hiện của tình trạng thoái hóa khớp là đau âm ỉ ở phần tiếp nối giữa hai đầu xương và cứng khớp, sưng tấy tại một hoặc nhiều khớp, nghe có tiếng lạo xạo, lụp cụp khi co duỗi khớp gối, càng vận động thì càng đau nhiều.

Thoái hóa khớp thường xảy ra ở cột sống cổ, cột sống thắt lưng, khớp gối, khớp háng, khớp ngón tay...

Gout

Gout là bệnh gây sưng đau các hợp do rối loạn chuyển hóa nhân purin của cơ thể. Bệnh hay gặp ở nam giới hơn nữ giới.

Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do nồng độ axit uric cao trong máu dẫn tới lắng đọng và hình thành tinh thể urat. Ăn các thực phẩm giàu nhân purin hoặc suy giảm chức năng thận sẽ làm tăng cao nồng độ chất này trong máu.

Điểm đặc trưng nhận biết bệnh trong giai đoạn đầu là tình trạng sưng, đau dữ dội ngón chân cái và các ngón khác của chi thể. Nếu bệnh không điều trị sẽ xuất hiện hạt tophi gây biến dạng khớp, teo khớp, cứng khớp.

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng bệnh xương khớp thường gặp ở cả người cao tuổi và người trẻ tuổi khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống bị chệch ra khỏi vị trí của nó, xuyên qua các dây chằng và chèn ép các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức.

Thoát vị đĩa đêm thường xuất hiện khi người bệnh ở độ tuổi lão hóa, hoặc người trẻ có thói quen làm việc ngồi cố định một chỗ trong thời gian dài, bưng vác đồ nặng, bị chấn thương do tai nạn hoặc thoái hóa tự nhiên gây ra.

Trên thực tế, thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng và cột sống cổ là những bệnh lý phổ biến nhất với những triệu chứng đau lan tỏa từ cổ đến thắt lưng xuống chân.

Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là tình trạng đau nhức cơ, xương, khớp dọc đường đi của dây thần kinh hông to khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng này là do dây thần kinh hông to bị tổn thương do đĩa đệm chèn ép, hẹp ống sống, gai cột sống, chấn thương xương khớp.

Bệnh đặc trưng bởi tình trạng đau dọc dây kinh hông to từ cột sống thắt lưng, hông, mông, mặt sau đùi, cẳng chân, ngón chân.

Cách phòng tránh

Chế độ dinh dưỡng

Thường xuyên bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại hạt, cá, tôm… và các loại rau quả.

Chế độ vận động

Phần lớn người thừa cân, béo phì, ít vận động có nguy cơ cao mắc các bệnh về cơ xương khớp. Mỗi ngày, bạn nên thực hiện những bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, chạy bộ… để bảo vệ sức khỏe cơ xương khớp.

Chế độ sinh hoạt và làm việc

Bạn cần thay đổi liên tục tư thế, tránh ngồi hay đứng quá lâu, hạn chế làm việc quá sức, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.

Kiểm soát tốt cân nặng

Vì lực đè nặng lên khớp nên tình trạng béo phì sẽ làm tổn thương tới các khớp. Bạn nên phải điều chỉnh cân nặng hợp lý nhằm giảm bớt sức nặng lên khớp.

Các bệnh về cơ xương khớp đang phát sinh và phổ biến ở nhiều đối tượng khác nhau, bệnh gây ra nhiều phiền toái và đau đớn trong vận động và sinh hoạt của người bệnh.

Chính vì vậy, việc phòng tránh khi chưa mắc bệnh cũng như phát hiện sớm và chữa trị dứt điểm đóng vai trò vô cùng quan trọng để bệnh nhân có cuộc sống khỏe mạnh.

Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cảnh báo các bệnh lý về xương khớp người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán xác định. Từ đó sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp cho từng đối tượng cụ thể.

Bình luận