Các kỹ thuật mới về sinh học phân tử mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân ung thư

(VOH) - Bệnh viện Chợ Rẫy đang thực hiện 3 kỹ thuật mới, đó là kỹ thuật giải trình tự gen bằng phương pháp Sanger, kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) và kỹ thuật vi giọt kỹ thuật số.

Thông tin từ Thạc sĩ. Bác sĩ Hoàng Thị Thúy Hà – Phó khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong năm 2022, Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai nhiều kỹ thuật mới tại Đơn vị Sinh học phân tử - Di truyền nhằm thực hiện các xét nghiệm mở rộng về bất thường gen, không chỉ phục vụ điều trị các bệnh lý huyết học, ung thư mà còn nhằm phát hiện, điều trị nhiều dạng bệnh lý khác mà trước nay thường bị bỏ sót trong chẩn đoán.

Theo đó, đơn vị đang thực hiện 3 kỹ thuật mới, đó là kỹ thuật giải trình tự gen bằng phương pháp Sanger, kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) và kỹ thuật vi giọt kỹ thuật số. Trong đó, kỹ thuật vi giọt kỹ thuật số chính là kỹ thuật lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Các kỹ thuật mới về sinh học phân tử mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân ung thư 1
PCR kỹ thuật vi giọt kỹ thuật số

Theo Thạc sĩ. Bác sĩ Hoàng Thị Thúy Hà, việc triển khai các kỹ thuật mới về sinh học phân tử sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân.

Thứ nhất, đối với cộng đồng, kỹ thuật mới cho phép xét nghiệm, sàng lọc, tư vấn để phát hiện những bất thường về gen có thể dẫn đến ung thư, qua đó giúp phát hiện sớm và điều trị sớm các bệnh về ung bướu.

Thứ hai, đối với những bệnh nhân đã mắc ung thư, những xét nghiệm giải trình tự gen có thể giúp xác định các tổn thương đặc hiệu mà các kỹ thuật xét nghiệm thông thường không thể xác định được.

Thứ ba, đối với những bệnh nhân đang điều trị, đặc biệt là điều trị bằng thuốc nhắm đích, các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ theo dõi được tồn lưu tối thiểu bằng định lượng gen, qua đó đánh giá mức độ đáp ứng điều trị.

Và đó cũng là một cơ sở để bác sĩ cho bệnh nhân ngưng thuốc, mang lại những lợi ích về kinh tế, sức khỏe, đồng thời giúp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Đơn vị Sinh học phân tử - Di truyền thuộc khoa Huyết học được thành lập từ năm 2016, chuyên thực hiện các kỹ thuật về sinh học phân tử di truyền, như các xét nghiệm nhiễm sắc thể, phát hiện đột biến gen bằng kỹ thuật PCR…

Trước đây, các xét nghiệm này chủ yếu để phục vụ điều trị các bệnh lý huyết học cùng một số chuyên ngành ung thư.