Các loại u buồng trứng: loại nào không cần điều trị, loại nào cần phải mổ?

(VOH) - U buồng trứng là tình trạng mà nữ giới ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ gặp phải. Vì vậy, chị em phụ nữ nên tìm hiểu về các loại u buồng trứng để phân biệt u lành tính hay u ác tính.

Các loại u buồng trứng thường gặp

ThS.Bs Nguyễn Thị Quế Khoa (Bệnh viện Mỹ Đức) cho biết, u buồng trứng là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chiếm 3 – 4% của bệnh phụ khoa. Thực tế, có nhiều dạng u buồng trứng, có loại lành tính và tự biến mất nhưng cũng có loại u buồng trứng ác tính và có nguy cơ chuyển biến thành ung thư. 

Các loại u buồng trứng thường gặp bao gồm:

cac-loai-u-buong-trung-loai-nao-khong-can-dieu-tri-loai-nao-can-phai-mo-voh-1

Có nhiều dạng u buồng trứng, có thể lành tính hoặc ác tính (Nguồn: Internet)

  • U nang cơ năng: Là những khối u phát sinh do rối loạn hoạt động nội tiết của buồng trứng. U nang cơ năng có nhiều dạng như nang bọc noãn, nang hoàng thể, nang hoàng tuyến. Bác sĩ Khoa cho biết, u nang cơ năng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định rồi tự biến mất (có thể thoát ra ngoài theo chu kỳ kinh nguyệt).
  • U nang thực thể: U nang thực thể thường được hình thành, tiến triển kéo dài trong nhiều năm và có nguy cơ ung thư hóa. 
  • U bì buồng trứng: có thể lành tính hoặc ác tính, thường điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
  • Nang nước cạnh tai vòi.
  • U nhầy buồng trứng.
  • U lạc nội mạc tử cung.
  • U tế bào sáng.

Thông thường, u buồng trứng rất khó phát hiện vì hầu như các loại u đều không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. 

Vậy làm sao để phát hiện u buồng trứng?

Bác sĩ Khoa cho biết, thực tế, nhiều chị em vô tình phát hiện u buồng trứng khi đi khám sức khỏe định kỳ. Hoặc chị em đi khám khi có những triệu chứng bất thường sau đây:

  • Tự nhiên chằn tức vùng bụng.
  • Khó đi tiểu.
  • Quan hệ thấy đau rát.
  • Ra huyết âm đạo bất thường.
  • Bụng bỗng to lên, tăng cân bất thường.
  • Đau bụng dữ dội.

Như vậy, u buồng trứng hầu như không có biểu hiện cụ thể, rõ ràng, chị em chỉ có thể phát hiện khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường và tiến hành thăm khám. 

U buồng trứng khi nào cần phải mổ?

Bác sĩ Khoa cho biết, u buồng trứng có mổ hay không còn phụ thuộc vào kích thước, tính chất khối u và thời điểm phát hiện khối u. 

Thông thường, các loại nang cơ năng thì không cần phải mổ mà theo dõi trong khoảng 3 – 6 tháng, chị em có thể uống thêm thuốc nội tiết để ngưng hoạt động của buồng trứng và xem nang cơ năng sau 3 – 6 tháng còn tồn tại hay không. 

Đối với các loại u thực thể thì cần phải điều trị nhưng không phải trường hợp nào cũng phải mổ. Thông thường, sau khi xác định u thực thể thì bác sĩ sẽ đưa ra nhiều chỉ định khác nhau:

  • Nếu u có kích thước trên 5 – 6 phân (1 phân = 1cm) thì chỉ định mổ.
  • Nếu u bì nhỏ khoảng 2 – 3 phân thì người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ để theo dõi, chưa được chỉ định phẫu thuật ngay.
  • Nếu u buồng trứng nhỏ mà tính chất ác tính thì có thể chỉ định mổ.

Mổ u buồng trứng bằng phương pháp gì?

Thông thường, mổ u buồng trứng có thể mổ hở hoặc mổ bằng phương pháp nội soi. Ngày nay, phương pháp mổ nội soi được ưu tiên lựa chọn hơn vì nó mang lại nhiều lợi ích như người bệnh hồi phục sức khỏe nhanh chóng, ít tổn thương,…Tuy nhiên, người bệnh phải đáp ứng đủ điều kiện chỉ định mổ nội soi mới được ưu tiên chọn phương pháp này.

Điều kiện mổ nội soi quy định nghiêm ngặt về gây mê hồi sức, tim mạch…Do đó, nếu sức khỏe bệnh nhân không cho phép gây mê hồi sức thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ hở.

cac-loai-u-buong-trung-loai-nao-khong-can-dieu-tri-loai-nao-can-phai-mo-voh-2

Khi có dấu hiệu bất thường ở vùng bụng chị em nên đi thăm khám (Nguồn: Internet)

Mổ u buồng trứng có con được không?

Rất nhiều chị em phụ nữ lo lắng về vấn đề mổ u buồng trứng và việc có con sau mổ. Bác sĩ Khoa cho biết, mổ u buồng trứng chỉ thực hiện bóc tách u ra khỏi buồng trứng nên mô buồng trứng lành vẫn được giữ lại, do đó, việc sinh con vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, khi đã “đụng chạm” đến buồng trứng thì ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của buồng trứng. Ca mổ u buồng trứng có thể làm giảm khả năng dự trữ buồng trứng, số lượng nang noãn vô hình chung có thể bị mất đi. Dù vậy, chị em phụ nữ cũng không nên quá lo lắng vì nếu người bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm cao thì những tổn thương lên buồng trứng sẽ giảm đáng kể.

Lưu ý: Sau mổ u buồng trứng 1 tháng chị em phải tiến hành tái khám để lấy giải phẫu bệnh (tức là mô mổ ra được) để xem tính chất và đánh giá sau mổ. Bên cạnh đó, tái khám sẽ nhằm kiểm tra sức khỏe và vết thương sau mổ có lành đúng tiến độ hay không. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Quế Khoa tại audio bên dưới:

Ung thư buồng trứng nguy hiểm thế nào, có thể điều trị và phòng ngừa?: Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Hầu hết bệnh nhân ung thư buồng trứng đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Bệnh đa nang buồng trứng có mang thai được không?: Một số chị em phụ nữ hiện nay vì e ngại trong việc thăm khám nên khi có dấu hiệu buồng trứng đa nang thường bỏ qua mà không điều trị. Liệu điều này có ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ sau này hay không.