Cách chữa bệnh trĩ hiệu quả hiện nay

(VOH) - Trĩ là bệnh dễ tái phát nếu người bệnh không điều trị đúng cách và triệt để. Vậy làm sao để chữa bệnh trĩ hiệu quả nhất? Dưới đây là chia sẻ của BS Bay về những cách chữa bệnh trĩ hiệu quả.

1. Bệnh trĩ phổ biến như thế nào?

Bệnh trĩ là căn bệnh về hậu môn trực tràng phổ biến nhất. Người xưa có câu “thập nhân cửu trĩ”, tức là dân số có 10 người thì đã có 9 người mắc bệnh trĩ. Điều này cho thấy bệnh trĩ từ lâu đã rất phổ biến.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 50% dân số thế giới đang mắc bệnh trĩ, trong đó bệnh chủ yếu xuất hiện ở người lớn và hiếm khi xảy ra đối với trẻ em.

cach-chua-benh-tri-hieu-qua-hien-nay-voh

Trĩ là căn bệnh rất phổ biến (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Bay cho biết, bệnh trĩ xuất hiện chủ yếu do lối sống sinh hoạt, chế độ ăn uống hoặc do các bệnh lý liên quan đến hậu môn trực tràng gây ra. Bệnh trĩ do yếu tố di truyền hay xuất phát từ cơ địa rất hiếm gặp.

2. Các loại và cấp độ bệnh trĩ

Bệnh trĩ thường được chia làm 3 loại là:

  • Trĩ nội: búi trĩ nằm bên trong đường lược (nằm trong hậu môn).
  • Trĩ ngoại: búi trĩ nằm ngoài đường lược (nằm ngoài hậu môn).
  • Trĩ hỗn hợp: bao gồm cả trĩ nội và trĩ ngoại.

cach-chua-benh-tri-hieu-qua-hien-nay-voh

Trĩ nội và trĩ ngoại đều gây nhiều phiền toái và đau đớn cho bệnh nhân (Nguồn: Internet)

Về cấp độ, bệnh trĩ được chia làm 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Trĩ độ 1: Người bệnh bị táo bón, khi rặn lúc đi cầu sẽ thấy búi trĩ lòi ra ngoài.
  • Trĩ độ 2: Khi đi cầu búi trĩ lòi ra ngoài, nhưng khi đứng lên thì búi trĩ tự rút vào hậu môn.
  • Trĩ độ 3: Khi đi cầu búi trĩ lòi ra ngoài, khi đứng lên phải dùng tay đẩy búi trĩ mới thụt vào được.
  • Trĩ độ 4: Khi đi cầu búi trĩ lòi ra ngoài và hoàn toàn không rút vào trong được nữa, gây đau rất nhiều.

Thông thường, để chọn phương pháp chữa bệnh trĩ phù hợp, người ta sẽ dựa vào loại bệnh trĩ và các cấp độ của bệnh. 

3. Các cách chữa bệnh trĩ theo Đông và Tây y

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay, cả Đông và Tây y đề có những cách chữa bệnh trĩ hiệu quả. 

3.1 Chữa bệnh trĩ theo Tây y

Sau khi thăm khám, chẩn đoán loại bệnh trĩ và mức độ mắc bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp. Hiện nay, có các phương pháp chữa bệnh sau đây:

cach-chua-benh-tri-hieu-qua-hien-nay-voh

Dùng thuốc bôi để chống viêm, tránh tình trạng bội nhiễm (Nguồn: Internet)

  • Dùng thuốc: Thuốc uống hoặc sử dụng các loại kem bôi ngoài.
  • Chích xơ búi trĩ.
  • Thắt búi trĩ.
  • Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.

Thông thường, những trường hợp mắc bệnh trĩ nhẹ sẽ sử dụng thuốc và áp dụng các thủ thuật để làm teo búi trĩ, giảm đau và chống bội nhiễm. Với những trường hợp mắc bệnh trĩ nặng thì cần phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ.

3.2 Chữa bệnh trĩ theo Đông y

Người bệnh có thể sử dụng bài thuốc bổ trung ích khí, các dược liệu trong bài thuốc sẽ giúp búi trĩ co nhỏ lại, rút vào bên trong hoặc biến mất hiệu quả. 

Những trường hợp búi trĩ lòi ra ngoài, không co vào được thì người thầy thuốc sẽ áp dụng phương pháp thắt búi trĩ. Dây thắt búi trĩ thường làm từ cây thuốc hoặc cũng có thể thắt búi trĩ bằng dây thun. 

3.3 Cách chữa bệnh trĩ dân gian

Trong dân gian có nhiều cách chữa bệnh trĩ và đến nay vẫn còn nhiều bệnh nhân áp dụng. Có thể kể một số cách chữa như:

  • Dùng các loại lá có tinh dầu, có vị cay như lá lốt, lá trầu không, lá diếp cá,…nấu nước cho sôi rồi xông lên vùng hậu môn. Khi nước chuyển sang trạng thái ấm thì dùng nó để ngâm hậu môn. Các loại lá này đều có tính kháng viêm và kháng khuẩn rất tốt, đồng thời nó cũng sẽ giúp nâng cơ tĩnh mạch trực tràng.
  • Sử dụng dầu dừa để bôi vào búi trĩ.
  • Dùng cây cỏ mực sắc nước uống trong hoặc đốt thành than rồi pha với dầu dừa để làm hỗn hợp kem bôi ngoài.
  • Sử dụng các thực phẩm có tính nhuận trường như uống nước rau sam, ăn khoai lang, ăn đu đủ, rau mồng tơi, rau dền,…

Lưu ý: Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, các bài thuốc dân gian chữa bệnh trĩ vẫn có thể chấp nhận được với điều kiện tất cả dược liệu và dụng cụ thực hiện phải được vô trùng, nước xông phải được đun sôi,…Nếu không đảm bảo được các yếu tố này thì người bệnh không nên áp dụng, thay vào đó nên đến gặp bác sĩ, thầy thuốc để thăm khám, chẩn đoán và được hướng dẫn điều trị đúng cách. Trường hợp mắc bệnh trĩ độ 3 và 4, búi trĩ gây nghẹt hậu môn thì nên đến bệnh viện tiến hành phẫu thuật và được chăm sóc khoa học để tránh tình trạng bội nhiễm và gây biến chứng nguy hiểm.

4. Cách phòng ngừa bệnh trĩ tái phát

Mặc dù đã điều trị đúng cách nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh trĩ chưa được loại bỏ thì khả năng bệnh tái phát là rất cao. Chính vì vậy, sau khi điều trị người bệnh cần khắc phục các nguyên nhân, đồng thời xây dựng lối sống khoa học và ăn uống lành mạnh. Cụ thể là:

cach-chua-benh-tri-hieu-qua-hien-nay-voh

Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn để tránh bệnh trĩ tái phát (Nguồn: Internet)

  • Tăng cường chất xơ trong bữa ăn hàng ngày từ các loại rau củ và trái cây.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Không nhịn đi cầu, nên tập thói quen đi cầu mỗi sáng.
  • Kiểm soát căng thẳng, stress trong công việc và cuộc sống vì những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến sự vận động của ruột và hệ thống thần kinh. 
  • Ngủ đủ giấc và vận động mỗi ngày, không ngồi lâu một chỗ trong thời gian dài.

Nhìn chung, người bệnh chỉ cần ăn đúng – ngủ đủ - tập luyện – lạc quan là có thể phòng ngừa bệnh trĩ tái phát trở lại.

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 
Bình luận