Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách sơ cứu cho người bị tai nạn do pháo nổ

VOH - Dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng dịp trước trong và sau Tết luôn là thời điểm xuất hiện nhiều tai nạn nguy hiểm liên quan tới pháo nổ, gây ra nhiều bị kịch cho các gia đình.

Thời gian qua, các bệnh viện khắp cả nước liên tục tiếp nhận các trường hợp thanh thiếu niên bỏng nặng, đa chấn thương, mất tinh hoàn… do pháo tự chế phát nổ.

Nếu như nhiều năm trước, tai nạn pháo nổ thường xảy ra vào những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thì khoảng 3-4 năm trở lại đây, tai nạn pháo nổ xảy ra quanh năm, cao điểm là những ngày cận tết, trong, sau Tết.

Hậu quả của vết thương do pháo nổ khá nghiêm trọng, người bị thương thường sẽ mất chi, chi còn lại cũng mất nhiều chức năng, để lại nhiều di chứng.

Điều trị tại bệnh viện mới là điều trị bước đầu cho lành vết thương, sau khi xuất viện, bệnh nhân còn phải tập vật lý trị liệu, tái tạo vết thương để sau này bàn tay có được chức năng.

Tổng thời gian điều trị phải tính bằng tháng, bằng năm tùy mức độ, tạo ra gánh nặng rất lớn về kinh tế đối với các gia đình.

phao-no-090125-1
Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho 3 thanh thiếu niên trung bình từ 15 - 17 tuổi bị đa chấn thương, phỏng nghiêm trọng do pháo tự chế phát nổ - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy

Qua cấp cứu và điều trị, các bác sĩ nhận thấy, hầu hết bệnh nhân nhập viện do pháo nổ là nam giới, độ tuổi từ 10-18, nhiều nhất là từ 12-16 tuổi - độ tuổi mà các em rất tò mò, muốn làm một điều gì đó để chứng tỏ bản thân.

Việc có thể mua các đồ chế pháo rất dễ dàng trên mạng xã hội; các bài đăng về mua bán hóa chất, dụng cụ chế tạo pháo hiện lên với mật độ dày đặc - cũng là nguyên nhân khiến các em liều lĩnh thử chế tạo pháo và gặp tai nạn.

Hệ lụy từ pháo nổ rất nặng nề, đặc biệt khi các bệnh nhân đều còn rất trẻ. Do đó, các phụ huynh cần quan tâm, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Phụ huynh cũng cần trang bị kiến thức xử lý các vết thương, đặc biệt là các vết thương do pháo gây ra để có phản ứng kịp thời khi không may tai nạn xảy ra.

Theo các chuyên gia, tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả các vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn.

Ngoài ra, trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh… nên nếu người đốt tiếp xúc rất gần trong quá trình nổ sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu mặt cổ, mắt, tay... gây ra các tổn thương dập nát, có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Để sơ cứu các vết thương dạng này, cần chú ý, nếu nạn nhân bị bỏng vùng mắt hoặc dị vật vào mắt khi đốt pháo, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút, chớp mắt để loại dị vật ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch.

Nếu bị chảy máu mắt, phải nhanh chóng băng mắt bằng gạc sạch. Trường hợp nạn nhân bị vết thương mạch máu cần băng ép cầm máu ngay.

Nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định xương gãy và băng vết thương cẩn thận; Nếu bị bỏng da, làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút.

Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, tính đến hết ngày 13/2 (tức mùng 4 tháng Giêng), số trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ, chất nổ tiếp tục tăng cao với 583 ca (tăng 52% so với dịp Tết Quý Mão 2023), trong đó có 1 ca tử vong và 302 trường hợp phải nhập viện điều trị.

Cùng với đó, các bệnh viện cũng tiếp nhận 82 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác, tăng 60 ca so với cùng kỳ, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Bình luận