1. Nấm móng chân là bệnh gì?
Nấm móng chân hay còn gọi là nấm móng, là tình trạng nhiễm nấm ở phần móng chân. Các loại nấm gây bệnh là nấm sợi tơ, nấm Candida, nấm mốc,…Những loại nấm này thường sống trong môi trường ẩm ướt, do đó, nếu bàn chân không khô ráo khi đi tất, đi giày hoặc thường xuyên cho chân tiếp xúc với nước bẩn sẽ dễ bị bệnh nấm móng chân.
Nấm móng chân khiến màu móng bị thay dổi và mất đi vẻ thẩm mỹ (Nguồn: Internet)
Khi bị nhiễm nấm, móng chân thường đổi sang màu nâu, vàng hoặc có những đốm trắng, có thể có màu đen, móng trở nên giòn, dễ gãy, dễ bong, tăng sừng dưới móng, mùi hôi, khó chịu, gây khó khăn khi đi lại.
Khi bị bệnh nấm móng chân, nó sẽ nhanh chóng lây lan khắp bàn chân ở cả 2 chân, thậm chí có thể lan sang một số bộ phận khác, nhất là móng tay. Ngoài ra, nấm móng chân còn có thể lây từ người này sang người khác.
2. Cách trị nấm móng chân hiệu quả
Có nhiều cách điều trị nấm móng chân hiệu quả, thông thường nhất là dùng thuốc. Vậy thuốc trị nấm móng chân hiệu quả là thuốc gì?
Thuốc chữa nấm móng chân thường là thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống tác dụng toàn thân.
2.1 Thuốc bôi tại chỗ:
Người bệnh có thể dùng một trong các loại thuốc bôi như kem hoặc pommade Ketoconazol (Nizoral), Canesten, Exoderil, terbinafin, BSI…
Sau khi bạn rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2 – 3 lần, ban đêm nên dùng băng nhựa băng giữ thuốc qua đêm.
2.2 Thuốc uống:
Hiện nay Itraconazol là thuốc đặc hiệu nhất để điều trị bệnh nấm móng chân. Itraconazole là một triazole kháng nấm, thuốc rất ưa mỡ và chất sừng, tồn tại lâu trong mô như da. Itraconazole thấm được vào bản móng và giường móng nhờ vậy mà có tác dụng diệt nấm sinh bệnh tại móng chân.
Điều trị bệnh nấm móng bằng uống Itraconazole phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc, nhằm tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.
Sau khi kết thúc điều trị cần xét nghiệm soi tươi bệnh phẩm lấy tại móng bị bệnh để đánh giá là đã hết nấm chưa, kết hợp với đánh giá lâm sàng nhằm xem móng đã mọc ra lại chưa, hết viêm hoặc ngứa chưa. Nếu xét nghiệm và lâm sàng chưa tốt thì bác sĩ sẽ có quyết định điều trị tiếp tục.
3. Cách chữa nấm móng chân bằng giấm
Ngoài thuốc bôi và uống, người bạn có thể dùng giấm để chữa nấm móng chân cho mình. Bạn có thể thực hiện bằng cách:
- Chuẩn bị một chai giấm
- Sử dụng dũa và đồ bấm móng để cắt móng, việc này giúp thuốc điều trị thấm sâu vào móng hơn.
- Trộn giấm với nước nóng theo tỉ lệ 1:2.
- Ngâm chân bị nhiễm trùng vào giấm mỗi ngày 2 lần, mỗi lần ngâm không quá 30 phút.
- Sau khi ngâm xong thì phải lau khô móng chân bằng khăn mềm.
Lưu ý: Trên đây chỉ là một mẹo dân gian giúp chữa nấm móng chân nên nó chỉ mang tính chất tham khảo, nó có thể hiệu quả với người này nhưng lại không có tác dụng với người kia. Do đó, nếu áp dụng mà không thấy hiệu quả thì bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và chữa nấm móng chân đúng cách hơn.
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để diệt nấm hiệu quả hơn (Nguồn: Internet)
4. Biện pháp phòng ngừa nấm móng chân
Để phòng ngừa bệnh nấm móng chân tái phát, bạn nên:
- Hãy thay đổi môi trường làm việc hoặc mang giày không thấm nước nếu bạn đang làm công việc tiếp xúc thường xuyên với nước.
- Nên hạn chế tiếp xúc với nước có chất tẩy rửa.
- Chỉ tiếp xúc với nước khi cần thiết như tắm gội. Sau đó cần lau chân thật khô ráo.
- Tất hoặc giày có quá nhiều độ ẩm hoặc ấm có thể kích thích nấm phát triển. Vì vậy, bạn nên mua giày và tất bằng chất liệu thông thoáng, hút ẩm tốt giúp chân "dễ thở". Ngoài ra, tất cũng phải luôn sạch sẽ vì chúng có thể mang các bào tử nấm.
- Việc chăm sóc tốt cho đôi chân sẽ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng móng. Do đó, hãy vệ sinh chân mỗi ngày, luôn giữ cho chân khô và thoáng mát, cắt móng chân sạch sẽ khi thấy móng chân dài,…