Chờ...

Lấy khóe chân – nên hay không nên?

(VOH) - Câu hỏi ‘có nên lấy khóe móng chân?’ đến giờ vẫn còn nhiều tranh cãi vì có nhiều ý kiến trái chiều và những lý do đưa ra cho câu trả lời đều khá hợp lý. Vậy đâu mới là câu trả lời chính xác?

1. Có nên lấy khóe móng chân?

Khóe móng chân nằm ở phần rìa 2 cạnh bên ngoài cùng của móng. Hầu hết mọi người đều có khóe móng chân. Bình thường chúng sẽ mọc ngang ra 2 bên và không gây khó chịu. Tuy nhiên, rất nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ, vì muốn làm đẹp bộ móng nên đã lấy sạch hết khóe chân. Vậy việc này có nên không?

lay-khoe-chan-nen-hay-khong-nen-voh-1

Lấy khóe chân không đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

Lấy khóe móng chân là cách để vệ sinh cho móng chân sạch sẽ hơn và trông đẹp hơn. Tuy nhiên, việc lấy khóe móng chân quá nhiều và quá sâu có thể khiến bạn gặp phải tình trạng nhiễm trùng, mưng mủ và sưng tấy. Thậm chí, thực tế đã có một số trường hợp phải nhập viện để điều trị nhiễm trùng.

Hầu hết những trường hợp lấy khóe chân bị sưng và nhiễm trùng là do:

  • Dụng cụ lấy khóe không đảm bảo vệ sinh.
  • Lấy khóe quá sâu và nhiều gây tổn thương cho khóe móng.

Ngoài tình trạng nhiễm trùng, lấy khóe chân sâu và nhiều còn có thể gây ra tình trạng móng quặp.

Như vậy, bạn vẫn có thể lấy khóe chân để vệ sinh và làm đẹp bộ móng nhưng hãy cắt khóe móng chân đúng cách và tần suất lấy khóe móng chân không được quá nhiều.

2. Cách lấy khóe móng chân đúng cách

Để có bộ móng chân vừa đẹp, sạch sẽ vừa an toàn cho sức khỏe thì bạn nên lấy khóe theo những bước sau đây:

  • Ngâm bàn chân trong một chậu nước trước khi cắt móng. Việc này giúp loại bỏ một phần bụi bẩn bám trong kẽ móng và giúp làm mềm khóe móng để cắt dễ hơn.
  • Chọn dụng cụ lấy khóe phù hợp với ngón chân và đảm bảo dụng cụ vô trùng.
  • Lấy khóe móng không quá sát vào phần thịt, không khoét sâu vì dễ gây chảy máu. Việc chảy máu khi lấy khóe có thể dẫn đến nhiễm trùng.
  • Khi lấy khóe xong cần rửa sạch chân bằng nước ấm rồi lau khô chân.

Lưu ý: Nếu bạn thấy khóe móng quặp sâu vào thịt, móng bị cong vòng lên thì bạn không nên tự ý cắt khóe móng chân. Những tình trạng này nên nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên viên có tay nghề tốt, trường hợp nặng có thể phải đến cơ sở y tế để bác sĩ thực hiện. Bên cạnh đó, bạn nên lấy khóe móng bằng dụng cụ dùng riêng cho cá nhân để đảm bảo vệ sinh và tránh các rủi ro không mong muốn.

lay-khoe-chan-nen-hay-khong-nen-voh-2

Khi gặp vấn đề nghiêm trọng ở khóe chân thì nên nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ, tránh tự xử lý tại nhà (Nguồn: Internet)

3. Biện pháp bảo vệ khóe móng chân khỏe mạnh

 Để vi khuẩn không trú ngụ và sinh sôi trong khóe móng, bạn nên:

  • Thường xuyên rửa chân sạch sẽ hàng ngày. Chà vệ sinh chân bằng xà bông và bàn chải có lông mịn.
  • Hạn chế đi chân đất để cát bụi không dính vào các khóe móng chân.
  • Không đi giày dép quá chật khiến cho các ngón chân bị tổn thương, khóe móng chân mọc lệch, cắm sâu vào trong da thịt.
  • Thường xuyên thay tất, luôn giữ cho chân khô ráo.