Chờ...

Cẩm nang chữa trị mất ngủ hiệu quả tận gốc mà đơn giản

(VOH) - Giấc ngủ rất quan trọng tuy nhiên nhiều người hiện gặp phải chứng mất ngủ làm ảnh hưởng cuộc sống.

Thực tế nhiều người chưa xem trọng, hơn thế là còn có quan niệm sai lầm về giấc ngủ và việc mất ngủ. 

Mất ngủ và những triệu chứng cần biết

Mất ngủ là tình trạng nhiều người gặp phải hiện nay, đặc biệt không chỉ ở người già mà một số người trung niên, trẻ tuổi cũng gặp khó khăn trong việc đi vào “giấc nồng”.

Hoài Thương (nhân viên Ngân Hàng) chia sẻ: “Tối 11 giờ tôi tắt đèn đi ngủ nhưng trằn trọc mãi đến 2 giờ sáng vẫn không ngủ được. Một tuần thì hết 3,4 ngày như thế. Có những sáng đi làm mệt mỏi nên công việc không mấy hiệu quả.”

Minh Đạt (sinh viên) cũng gặp tình trạng tương tự : “Mình thường xuyên ngủ rất trễ vì khó đi vào giấc ngủ dù đi ngủ từ sớm. Hầu như đêm nào cũng bật dậy, bấm điện thoại đến khi nào ngủ quên thì thôi.”

Bệnh mất ngủ được chia thành hai loại là mất ngủ ngắn hạn và mất ngủ kéo dài. Những biểu hiện thường thấy khi mất ngủ là người bệnh khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, không yên giấc, thường hay tỉnh dậy nhiều lần khi ngủ, khi đã dậy thì khó ngủ lại được, ngủ dậy cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, đau đầu….

Khác nhau về biểu hiện, thời gian nhưng nhiều người thừa nhận mình có bị mất ngủ. Tuy vậy không phải ai cũng quan tâm đến việc chữa trị và nhất là không biết rằng giấc ngủ rất quan trọng đến sức khỏe con người.

Tiến sĩ y khoa, diễn giả Lương Lễ Hoàng

Tầm quan trọng của giấc ngủ

Tiến sĩ y khoa, diễn giả Lương Lễ Hoàng cho biết, một trung tâm nghiên cứu hạng nhất thế giới kết luận cơ thể không hề nghỉ trong giấc ngủ.

Trong lúc thức hệ thần kinh, nội tiết, hệ biến dưỡng… hoạt động. Do đó, các chức năng phục hồi bị phân tán, không tập trung. Còn khi ngủ thì nhiều chức năng sẽ “tắt máy”, tiến trình phục hồi mới được thực hiện đúng sức của nó và hoạt động mạnh hơn lúc thức từ 6 đến 10 lần.

“Một bệnh nhân viêm gan ngủ được thì lượng kháng thể được tổng hợp nhiều hơn. Tổ chức Y tế thế giới cho rằng trong điều trị ung thư quan trọng nhất là làm sao cho người ta ngủ được và khi thức dậy thấy lạc quan.

Chúng ta mất 1/3 cuộc đời cho giấc ngủ và giấc ngủ không hề có ý nghĩa thụ động. Khoảng quan trọng nhất thì người ta lại lơ là với nó nhất.”- bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Những quan niệm sai lầm về giấc ngủ

Dù là một đề tài không còn mới, thậm chí là việc ai cũng trải qua hằng ngày nhưng vẫn có nhiều người quan niệm sai về giấc ngủ.

Thuốc ngủ chỉ “mua” được giấc ngủ tạm bợ

Nhiều người để ngủ được đã sử dụng thuốc ngủ, số đông “ưu ái” thuốc ngủ thảo dược vì cho rằng ít tác dụng phụ hơn thuốc Tây y.

Tuy nhiên, Ttến sĩ Lê Lưỡng Hoàng cho biết: “Dùng thuốc an thần, dù hóa chất tổng hợp hay hoạt chất thiên nhiên thì chỉ là biện pháp “mua” giấc ngủ tạm bợ. Viên thuốc ngủ không phải thuốc trị bệnh theo căn nguyên chỉ là trị triệu chứng.”

Số người bị tai biến mạch máu có dùng thuốc ngủ, cao gấp 3 lần những người không dùng. Người trẻ bị đột tử là những người hay sử dụng thuốc an thần.

Sau những công trình nghiên cứu, người ta kết luận rằng thuốc ngủ không giúp được gì cho những người trầm uất mà còn làm họ dễ trầm uất hơn, khiến bệnh tình thêm trăm hình vạn trạng.

Vì thế không nên lạm dụng thuốc ngủ, khi dùng thuốc ngủ phải có liệu pháp, theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngủ 8 tiếng chưa hẳn tốt

Nhiều thông tin khẳng định ngủ đủ giấc là ngủ đủ 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, bác sĩ Lương Lễ Hoàng lại cho rằng: “Không phải cứ nằm đủ 8 tiếng mới là ngủ đủ. Tùy theo cơ tạng mỗi người, mình phải ngủ đúng với nhịp của mình.

Dù phải ngủ muộn, phải thức sớm, nhưng nếu ngủ dậy trong người thấy sảng khoái, lạc quan thì đó là cơ thể đã ngủ đủ. Sẽ là giấc ngủ tốt nhất nếu có nằm mơ, tỉnh dậy vẫn nhớ mình mơ gì.”

Lời khuyên là mọi người nên ngủ đúng với nhịp sinh học của mình. Nếu ngủ thiếu giấc, cơ thể sẽ mỏi mệt, diễn dịch sai lệch, thiếu năng lượng, dẫn đến hội chứng tiểu đường do ngủ không yên, ở người lớn tuổi sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường do tạng yếu.

Còn những người ngủ quá nhiều sẽ thừa năng lượng dẫn đến những “trục trặc” tạo nên stress, tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận hoạt động như căng thẳng cũng dẫn đến bị bệnh.

Không phải ngủ trưa là tối sẽ mất ngủ

Người bị mất ngủ thường có xu hướng sợ ngủ trưa vì nghĩ tối không ngủ được. Nhưng đây là điều chỉ đúng ở người lớn tuổi còn lại thì giấc ngủ trưa vẫn rất quan trọng.

“Nên dành 30 phút buổi trưa để ngủ xả hơi. Vì đó được xem là “giấc ngủ phục hồi”, bởi sau 4 tiếng hoạt động liên tục, bộ não cần nghỉ ngơi.

Cho dù không ngủ được thì cũng nhắm mắt nằm yên, thở sâu, loại bỏ mọi suy nghĩ ra khỏi đầu để bộ não nghỉ.

Có nghiên cứu cho thấy lượng kháng thể sản sinh trong giấc ngủ trưa cao gấp ba lần so với giấc ngủ đêm. Tuy nhiên, không nên ngủ sau 3h chiều.”

Bí quyết điều trị mất ngủ tận gốc

Theo BS Lương Lễ Hoàng, để chữa bệnh mất ngủ trước hết và quan trọng nhất là phải truy tìm căn nguyên: “ Muốn ngủ được phải tìm ra chuyện gì làm mình mất ngủ rồi  giải quyết chuyện đó. Nhiều khi việc mất ngủ không nằm trong tầm tay thầy thuốc. Có thể mất ngủ vì đau đầu chuyện tiền bạc? giận vợ/chồng? Lo lắng chuyện con cái?...  Tìm ra rồi giải quyết thì lúc này không cần phải gõ cửa thầy thuốc nữa.”

Ngoài ra, một số biện pháp như ngồi thiền, châm cứu, thanh lọc cơ thể… cũng chứng minh hiệu quả, giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ.

BS Hoàng khuyên người bệnh và mọi người nên đúng nhu cầu của mình, không ngủ cứng nhắc, không ngủ thất thường.

Cũng theo bác sĩ để dễ đi vào giấc ngủ và có giấc ngủ ngon hơn thì không nên chơi thể thao sát giờ ngủ, không đi ngủ lúc đói hay quá no, không uống café sau 7 giờ tối, không ăn nhiều phomai, socola vào buổi tối.

Trường hợp ngủ say nhưng tỉnh dậy vẫn thấy mệt có thể đang gặp phải hội chứng mệt mỏi kinh niên, cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Những người có công việc phải thức đêm bên cạnh bổ sung khoáng chất nên sắp xếp để giấc ngủ bù, tốt nhất là nên dành thời gian để ngủ trưa.