Trả giá cho anti-vắcxin là quá lớn !

(VOH) - Khuynh hướng anti-vắcxin xuất hiện từ lâu và gần đây tiếp tục rộ lên, lan truyền theo tâm lý đám đông, đẩy câu chuyện đi chệch hướng.

Nhận định về tâm lý sai lệch này, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm –thần kinh –Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời phỏng vấn của VOH.

*VOH: Thưa bác sĩ, luồng anti-vắc xin xuất hiện từ lâu nhưng gần đây tiếp tục rộ lên, thậm chí một số người tẩy chay vắc xin, không đưa con đi tiêm. Như vậy tác động của nó với cộng đồng như thế nào ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Chuyện này không lạ, vấn đề ở chỗ tác động của nó với cộng đồng, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, chương trình quốc tế. Tôi làm truyền thông và chuyên về khoa nhiễm thì thấy mình có nhiệm vụ ngăn chặn.

Người “anti” thường tìm rất nhiều bài báo, chỉ cần bài nào có sự nghi ngờ với vắcxin, họ sẽ đưa lên mạng tạo ra hiệu ứng riêng.

Thực sự, hiện tượng an ti-vắc xin chỉ có thể tồn tại và hoạt động trong bối cảnh không có dịch bệnh xảy ra, còn nếu đang bị sởi, ho gà hay sốt bại liệt, bạch hầu thì không bao giờ nhóm anti-vắcxin này hoạt động được.

Cách đây 20 năm, khi ho gà, bạch hầu, sốt bại liệt còn nhiều thì người ta không dám không đưa con đi tiêm ngừa vì thấy quá rõ tác hại của bệnh. Do vậy, khi bệnh thấp, anti-vắcxin trồi lên và đáng lo ngại nhất là bệnh sẽ quay lại nếu không được truyền thông đúng. Khi đó sẽ trả giá bằng chính sinh mạng của rất nhiều trẻ.

*VOH: Như vậy kéo dài tình trạng anti-vắcxin sẽ rất nguy hiểm nếu thông tin sai lệch cứ truyền tràn lan?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Chắc chắn là nhóm người anti-vắcxin ít hơn so với ủng hộ vắcxin. Còn người mà anti-vắ xin cực đoan, chắc chắn ở nhà có vấn đề và có nguyên nhân sâu xa.

Như trường hợp tôi có đọc một đoạn viết trên mạng, tìm hiểu kỹ thì phụ huynh đó có hai con không nói được. Chuyện này trong xã hội vẫn có nhưng vấn đề phải tìm cách đừng để lan truyền thành một hiệu ứng nguy hiểm.

Khi người ta bỏ chích ngừa tới ngưỡng nào đó thì dịch bệnh sẽ quay lại. Con của những người anti vắc xin có thể không bệnh do may mắn trong cộng đồng không bệnh nhưng nếu những đứa bé đó đi qua vùng có độ bao phủ vắcxin thấp thì đứa nhỏ sẽ bị bệnh.

Anti-vắcxin tới lúc nào đó thì sẽ làm cho dịch bệnh diễn tiến bất ngờ, trở tay không kịp.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: "Phải giành giật sự sống cho các em mà trong đó có nguyên nhân cha mẹ không chích ngừa cho trẻ".

*VOH: Tực tế nhiều bậc cha mẹ khi nhìn thấy những trường hợp tai biến hay phản ứng sau tiêm thì tâm lý sợ hãi và bị dao động theo luồng anti-vắcxin này?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cho tới hiện nay, vắc xin khi đưa ra ngoài thị trường bị phản ứng sau tiêm chỉ mang tính cá thể, không mang tính cộng đồng. Tính cơ địa có nghĩa là cơ địa mới sốt hay phản ứng như vậy.

Do vậy, không phải vì tính cơ địa mà bỏ vắcxin. Phải tính đến quốc gia và dân tộc chứ không phải chỉ đơn giản vì cá thể.

Tôi hay nói đùa, thay vì mua điện thoại thông minh thì hãy đưa con đi tiêm ngừa. Người đi tiêm vắcxin phải là người tiêu dùng thông minh, cái gì trong chương trình tiêm chủng mở rộng đưa ra thì bắt buộc phải chích đầy đủ còn vắc xin mình tự bỏ tiền túi thì phải xem xét, chọn lựa các yếu tố như thời điểm ưu tiên chứ không phải đưa vắcxin nào cũng phải chích hết.

*VOH: Trong bối cảnh hiện nay, bác sĩ có lời khuyên thế nào với phụ huynh nhất là các mẹ có con nhỏ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Lời khuyên quan trọng nhất, nếu mình là người có thể định hướng cộng đồng, truyền thông thì phải cùng nhau giải quyết nạn anti-vắcxin. Còn những ai "lăn tăn" hãy tìm đến những người chuyên môn đáng tin để hỏi, đừng tự quyết định.

Với những người đang cố tình anti-vắcxin thì đó là tội, tội với thế hệ, với dân tộc.

Tôi đang thực hiện là chích ngừa vắcxin viêm gan siêu vi B sau sinh cho trẻ để Việt Nam trở thành dân tộc mạnh với viêm gan B, điều đó không phải một ngày một bữa.

Để làm được, mình phải có kế hoạch làm đến 20 năm và hơn thế nữa chứ không đơn thuần là kêu gọi chích ngừa để phục vụ cá thể nào đó. Trong khi ở nước ngoài, các nước Châu Âu, tỉ lệ nhiễm viêm gan siêu vi B chỉ có 2 đến 3% dân số thì Việt Nam lên đến 15, 16%.

*VOH: Cảm ơn bác sĩ