Do có vai trò quan trọng đối với cơ thể, việc thiếu hụt vitamin D có thể gây nhiều căn bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe như:

Hen phế quản
Vitamin D góp phần làm tăng hệ miễn dịch cũng như điều hòa hệ miễn dịch. Ở những người có hen phế quản hoặc viêm phế quản mạn tính, vitamin D góp phần là tăng sức miễn dịch của cơ thể.
Do đó, khi thiếu hụt kéo dài, các hoạt động sinh lý của phổi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em.
Tim mạch
Vitamin D có ích trong việc ổn định và phòng tránh bệnh cao huyết áp, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như rối loạn nhịp tim, xơ vữa, tắc mạch, đột quỵ.
Đau nhức cơ, xương
Đau nhức cơ và xương là triệu chứng phổ biến của thiếu vitamin D. Triệu chứng này thường bị nhầm lẫn là do căng cơ hoặc vấn đề về tuổi tác. Đặc điểm phân biệt là tình trạng đau nhức do thiếu vitamin D sẽ kéo dài và không rõ nguyên nhân.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, nhờ đó xương và cơ bắp khỏe mạnh. Khi thiếu loại vitamin này, xương sẽ trở nên giòn hơn, dễ đau nhức và thậm chí làm tăng nguy cơ loãng xương.
Ung thư
Một số nghiên cứu cho thấy rằng đa số các bệnh nhân ung thư có lượng vitamin D trong máu thấp.
Vitamin D có tác dụng như chất chống oxy hóa và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư.
Tiểu đường tuýp 2
Vitamin D có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu và cải thiện nhạy cảm với insulin. Thiếu vitamin D có thể làm giảm chức năng của insulin đối với cơ thể, nguy cơ đến bệnh tiểu đường tuýp 2.
Trầm cảm, rối loạn lo âu
Vitamin D có ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và sản xuất các chất cải thiện tâm trạng như serotonin và dopamin. Thiếu vitamin D có thể liên quan đến rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm.
Rụng tóc
Vitamin D giúp kích thích sự phát triển của tóc và ngăn chặn sự rụng tóc. Thiếu vitamin D có thể gây ra rụng tóc nhiều hơn bình thường, dẫn đến hói đầu hoặc da đầu mỏng.
Viêm nhiễm
Hệ miễn dịch suy yếu do sự thiếu hụt thành phần dưỡng chất quan trọng có thể khiến cơ thể không được bảo vệ toàn diện, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm ngoài da như lupus, mẩn ngứa, hoặc có thể tạo điều kiện hình thành ổ viêm bên trong như bệnh viêm ruột, viêm khớp dạng thấp.
Lưu ý: Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng bạn chỉ nên bổ sung vitamin D với hàm lượng vừa phải, phù hợp với lứa tuổi và thể trạng hiện tại.
Lượng vi chất dư thừa cũng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như buồn nôn, chán ăn, hay nặng nề hơn như là tăng huyết áp, suy thận, trào ngược dạ dày.
Để bổ sung vitamin D, mọi người có thể phơi nắng từ 10 đến 15 phút vào buổi sáng, trước 10 giờ để tránh tác hại từ tia cực tím. Ngoài ra, dùng thực phẩm bổ sung, ăn các món giàu vitamin D như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, dầu gan cá, nấm, lòng đỏ trứng cũng là cách bổ sung hiệu quả loại vitamin này.