Chờ...

Cần lắm nguồn tạng ghép cho trẻ em

(VOH) - Bệnh viện Nhi đồng 2 là bệnh viện nhi khoa duy nhất tại khu vực phía Nam triển khai ghép tạng cho trẻ em từ năm 2004 đến nay.

Một hành trình với đầy chông gai thử thách từ việc đưa cán bộ y tế ra nước ngoài học tập, rồi chuyển giao kỹ thuật, chuẩn bị cơ sở vật chất trang thiết bị, đến nay, một ê- kíp bác sĩ tại chỗ xem như hoàn hảo để thực hiện ghép tạng. Thế nhưng, một thực tế đang vấp phải là nguồn tạng hiến vô cùng khan hiếm, nhất là nguồn hiến từ người cho chết não vì quy định vẫn chưa cho phép trẻ em dưới 18 tuổi chết não được hiến tạng.

Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” có hiệu lực từ năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý và mang lại cơ hội sống cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, với trẻ em, việc hiến, ghép tạng vẫn còn gặp nhiều rào cản, khó khăn. Điều 5 của Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” ghi rõ: Cấm trẻ em dưới 18 tuổi hiến tạng. Chính quy định này khi áp trên thực tế thì trẻ em có chỉ định ghép tạng đối mặt với muôn vàn khó khăn vì thiếu nguồn tạng ghép.

Hàng ngày trôi qua, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, vô số những mảnh đời cha mẹ phải khăn gói lên gần Bệnh viện thuê phòng trọ chạy thận tuần 3 lần cho con mình để duy trì sự sống. Danh sách chờ ghép thì dài dằng dặc trong khi nguồn tạng ghép thì ít ỏi vô cùng. Các bé chỉ còn bám víu vào các phương pháp khác để níu giữ sự sống như chạy thận nhân tạo hay thẩm phân. Khổ nỗi, vì sự sống của con mình, gia đình các bệnh nhi suy thận mãn gần như cũng khánh kiệt vì kinh tế eo hẹp, gần như họ phải thay đổi cả cuộc sống, mất công ăn việc làm để theo con trị bệnh.

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ghép thận cho bệnh nhi nam sinh năm 2007. Bé trai phát bệnh từ năm 2020 với chẩn đoán viêm cầu thận mạn giai đoạn cuối. Thời điểm chờ ghép thận, bệnh nhi vẫn phải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Nhớ lại quãng thời gian chạy thận để duy trì sự sống cho con, mẹ bệnh nhi không khỏi bùi ngùi:  "Mỗi lần chạy thận xong hai mẹ con ra ngồi chờ xe buýt cái nó mệt, cứ ngồi gục. Chạy thận xong về nhà nó cũng không yên, đêm trằn trọc không ngủ được, cứ lên võng rồi lại xuống nệm cứ làm riết vậy. Mình làm mẹ mình thấy vậy chịu không nổi. Từ khi ghép xong về cháu nó ngủ ngon, ăn được nữa, ăn chút đói, chút đói".

Cần lắm nguồn tạng ghép cho trẻ em 1
Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca ghép thận cho bệnh nhi - Ảnh: TTXVN.

Sau khi đăng ký vào danh sách chờ ghép thận từ người hiến chết não, chờ mãi, đến ngày 20/8, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận được tin báo có người hiến chết não từ Trung tâm điều phối Bệnh viện Chợ Rẫy và đã ghép cho bệnh nhi. Có thể nói, khi được ghép thận, không chỉ bệnh nhi mà gia đình em như được hồi sinh, chấm dứt chuỗi ngày khánh kiệt cả về tinh thần lẫn kinh tế.

Tại khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện quản lý khoảng 100 bệnh nhi bị suy thận mãn giai đoạn cuối, trong đó có 15 bé lựa chọn ghép thận nằm trong danh sách chờ ghép và bệnh viện vẫn phải chờ từ Trung tâm điều phối. Tiến sĩ-Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, trong các phương pháp thay thế thận, thì ghép thận vẫn là tốt nhất, các bác sĩ vẫn luôn mong số ca ghép thận được tăng lên nhiều hơn nữa: "Trong các phương pháp thay thế thận thì ghép thận là tốt nhất, chất lượng sống của bé tốt nhất. Sau khi ghép thì chất lượng sống của bé tốt hơn những bé chạy thận nhân tạo hay thẩm phân vì các bé đó phải lệ thuộc vào bệnh viện, tốn kém nhiều, chất lượng sống không bằng nhóm ghép thận.

Lúc nào tôi cũng mong số lượng bệnh nhi ghép thận tăng lên, giờ nguồn ghép chủ yếu từ người cho sống là cha mẹ, nếu như có nguồn từ người cho chết não số ca ghép được tăng lên, thêm cơ hội cho các bé".

Cần lắm nguồn tạng ghép cho trẻ em 2
Tiến sĩ-Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng chia sẻ, nguồn tạng ghép là một trong những khó khăn vì bệnh viện luôn mong được ghép nhiều hơn, để cứu mạng sống của các cháu không may bị suy gan, suy thận. Hiện nay, ngoài người cho sống là cha mẹ thì trông chờ nguồn tạng vào người cho chết não nhưng cũng rất hiếm: "Từ nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện rất nhiều trường hợp ghép gan, ghép thận. Ngày 21/8 vừa qua, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép thận từ người cho chết não, đây là ca ghép thận thứ 23 của bệnh viện.Trước nay bệnh viện cũng thường xuyên thực hiện các ca ghép thận cho các cháu từ người cho sống là cha mẹ hay thân nhân bệnh nhân và nguồn tạng có sự giới hạn. Kể từ năm 2004 đến nay bệnh viện chỉ mới thực hiện được 23 ca. Nguồn tạng từ người cho chết não rất là quý báu, nếu có nguồn tạng này thì chúng tôi đã thực hiện nhiều hơn".

Nhận thấy được bất cập từ thực tế, trong nhiều năm qua, Giáo sư Trần Đông A – chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng – cố vấn chuyên môn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã nhiều lần lên tiếng kiến nghị: "Nếu Luật Hiến, lấy, ghép mô tạng bỏ điều 5 hạn chế trẻ em dưới 18 tuổi chết não không được cho tạng thì chắc chắn chúng tôi sẽ làm việc rất nhiều, đem lại lợi ích thiết thực cho các cháu thiếu nhi, cho người dân các tỉnh phía Nam cũng như cả nước vì kỹ thuật cũng như bài bản thực hiện chúng tôi đã nắm, chỉ có chờ Luật. Xin cho sửa điều số 5 trong Luật mà tôi đã góp phần làm nên từ năm 2007 mà tôi đã góp ý ít nhất 20 lần".

Có thể thấy, những rào cản chưa cho phép trẻ em dưới 18 tuổi chết não được hiến tạng, nên số bệnh nhi được ghép tạng từ người cho chết não vẫn còn khá ít ỏi. Và giải pháp với bệnh nhi trong lúc chờ đợi vẫn là những phương pháp tạm thời. Nói như Giáo sư Trần Đông A, ê kíp ghép tạng cho bệnh nhi có thể làm nhiều hơn thế nữa, nhưng vì trở ngại từ nguồn tạng hiến nên con số cũng dừng lại khiêm tốn mà thôi.

Ghép tạng là thành tựu y học vĩ đại của thế kỷ 20, ngành y tế Thành phố nói chung và Bệnh viện Nhi đồng 2 nói riêng tự hào khi đã trải qua một hành trình đầy khó khăn, đã thiết lập được một đội ngũ ghép tạng chuẩn chất. Do vậy, trong tương lai, cần tháo gỡ những khó khăn, những bất cập để có thể thực hiện thêm nhiều trường hợp, thêm nhiều sự sống được hồi sinh từ nguồn tạng hiến tặng.