Tính đến sáng nay 21/11, tại Việt Nam, có 1.305 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 1.142 ca đã được chữa khỏi, 35 ca tử vong.80 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Tính từ chiều qua 20/11 đến 6 giờ sáng nay 21/11 không phát hiện ca mắc mới.
Tính đến 8 giờ ngày 21/11/2020 trên thế giới ghi nhận đã có 57.895.314 ca xác nhận mắc Covid-19, có 1.376.806 ca tử vong trên thế giới. Trong đó Mỹ: 12.274.702 ca mắc, 260.283 tử vong; Ấn Độ: 9.050.613 ca mắc, 132.764 ca tử vong; Brazil: 6.020.164 ca mắc, 168.662 ca tử vong; Pháp: 2.109.170 ca mắc, 48.265 ca tử vong.
Các chuyên gia cảnh báo trong những ngày mùa đông sắp tới, có nguy cơ dịch bùng phát mạnh như đầu năm 2020.
Trong nỗ lực tìm kiếm văc xin, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, tầm quan trọng của vắc xin trong kiểm soát đại dịch là điều không thể nghi ngờ. Theo WHO, có hơn 150 loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được phát triển, trong đó có 44 loại đang được thử nghiệm lâm sàng và 11 "ứng cử viên" trong quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối.
Một trong những "ứng cử viên" nổi bật hiện nay là sản phẩm của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNtech (Đức). Ngày 18/11, Pfizer cho biết kết quả thử nghiệm cuối cùng vắc xin ngừa vi rút SARS-CoV-2 của hãng này đã cho hiệu quả tới 95% và chưa thấy tác dụng phụ nghiêm trọng nào, ngay cả ở người cao tuổi.
Tập đoàn Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) cũng thông báo, vắc xin thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch Covid-19, cao hơn so với dự đoán ban đầu. Nhiều loại vắc xin tiềm năng khác cũng liên tục cho những kết quả tích cực trong quá trình thử nghiệm, như vắc xin AZD1222 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) phối hợp với Đại học Oxford (Anh) bào chế, hay vắc xin do Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Sinopharm (Trung Quốc) phát triển…