Chờ...

Nhiều bệnh viện ở Nga thiếu nghiêm trọng thuốc điều trị Covid-19

(VOH) - Một số bệnh viện ở Nga đang thiếu hụt nghiêm trọng thuốc điều trị Covid-19 vì nhu cầu tăng cao, nguồn cung lại ít và cả các vấn đề về cách thức phân loại thuốc mới được ban hành.

Nga là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 5 thế giới. Cũng như nhiều nước khác, Nga hiện đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai khi dịch bệnh bùng phát trở lại, và hệ thống y tế các vùng lân cận quanh thủ đô Moscow đang trở nên quá tải, có nguy cơ “vỡ trận”.

Hãng tin Reuters dẫn lời 3 quan chức địa phương và 3 nhà cung cấp thuốc cho biết, bác sĩ tại các bệnh viện ở hàng chục vùng xung quanh Moscow đang thiếu hụt nghiêm trọng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus và một số biệt dược khác dùng để điều trị Covid-19.

Chủ sở hữu kênh phân phối của một nhà sản xuất dược phẩm lớn tại Nga cho biết: “Các bác sĩ đầu ngành gọi cho tôi mỗi phút để hỏi về tình hình thuốc men. Họ không có gì để điều trị cho bệnh nhân cả. Và tôi cũng không có thuốc để giao cho các bác sĩ.”

Một quan chức giấu tên tại một thị trấn ở Siberia cho biết: “Chúng tôi thậm chí còn không có cả nước dẫn truyền để tiêm thuốc, chứ chưa nói đến thuốc kháng sinh hay kháng virus.”

Trong khi đó, một bác sĩ ở vùng Bashkiria thuộc phía nam miền Trung nước Nga thì chia sẻ địa phương của bà thiếu thuốc kháng sinh vì số lượng quá lớn bệnh nhân nhập viện.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuần trước cho biết ông đã nhận được thông tin về vấn đề này. “Chúng tôi biết rằng đang thiếu hụt thuốc điều trị tại một số vùng, điều này là không thể chấp nhận được. Chính phủ đang có những nỗ lực tích cực để ngăn chặn không để điều này xảy ra”, ông nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga hiện chưa có phản hồi về vụ việc.

Nhiều bệnh viện ở Nga có nguy cơ thiếu hụt thuốc điều trị Covid-19
Một nhân viên y tế ở Nga đang chào động viên bệnh nhân khi kết thúc ca trực của mình tại bệnh viện ở Tver, Nga ngày 13/10/2020. Ảnh: Reuters

Số ca nhiễm Covid-19 hiện tại ở Nga là trên 2 triệu ca, và mạng xã hội nước này tràn ngập các thông tin và yêu cầu hỏi mua các loại thuốc điều trị mà không có quy định quản lý cụ thể, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc.

Các bác sĩ ở Nga hiện sử dụng phác đồ gồm những loại thuốc đặc trị dành cho bệnh nhân Covid-19, bao gồm kháng sinh Levofloxacin hoặc Azithromycin, và một số thuộc kháng virus trong nước sản xuất như umifenovir. Tất cả những loại thuốc này đều đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Các loại thuốc kháng sinh theo quy định thường chỉ được phép bán khi có đơn kê toa của bác sĩ, tuy nhiên nhiều nhà thuốc lại bán cho khách ồ ạt theo nhu cầu mà không cần có đơn, dẫn đến việc hết hàng nhanh chóng.

Trong khi đó, theo Anatoly Tenser - giám đốc phát triển của một nhà phân phối thuốc lớn ở Nga tên Katren, các nhà sản xuất thuốc lại không có khả năng sản xuất thuốc ngay lập tức vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu bào chế từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Ông Alexander Semenov - chủ tịch công ty sản xuất thuốc Acticomp, cũng chung ý kiến khi cho biết công ty ông cũng đang thiếu hụt các chất dẫn truyền phản ứng trung gian dùng trong sản xuất, mà những chất này lại phải nhập khẩu và đang gặp trục trặc.

Một vấn đề khác đang xảy ra ở Nga là hệ thống các quy định mới ban hành hồi tháng 10 năm nay về nguồn gốc, nhãn mác thuốc điều trị cũng đang gây khó khăn cho việc cung ứng và phân phối thuốc. Trong đó, tất cả các loại thuốc đều được giám sát từ nhà máy sản xuất qua các kênh phân phối tổng, đại lý rồi nhà thuốc, người tiêu dùng bằng điện tử, và bắt buộc chi tiết theo từng khâu một. Các quy định mới này được lập ra nhằm chống lại việc giao dịch thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường chợ đen, tuy nhiên trong tình hình hiện nay thì lại có vẻ chưa phát huy tác dụng.

Một nhà cung cấp thuốc cho biết suốt nhiều tuần qua đã không thể nhập số lượng lớn thuốc dexamethasone dùng để điều trị Covid-19 cũng chỉ vì gặp vấn đề với hệ thống truy quét nhãn mác tại nhà máy.

“Thật điên rồ khi hệ thống gắn nhãn thuốc này lại đưa vào sử dụng thực tế mà không qua thử nghiệm, nhất là trong giai đoạn thuốc men khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay”, Nikolai Bespalov - giám đốc phát triển công ty dược RNC Pharma nói.