Trong 24 giờ qua, Mỹ vẫn ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới với 25.283 ca; tiếp đó là Nga với 9.623 ca và Anh với 4.806 ca.
Mỹ cũng là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua với 1.453 ca.
Tính đến ngày 2/5, số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt 1,1 triệu, bao gồm khoảng 65.000 người thiệt mạng.
Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo ngày 2-5 tuyên bố ông phản đối những yêu cầu mở cửa sớm. Ông Coumo khẳng định dù người dân đang khổ sở vì không có công việc, nhưng đây là điều cần thiết để chống lại dịch COVID-19.
Khoảng một nửa nước Mỹ đang dần mở cửa lại nền kinh tế trong tuần này. Trong bối cảnh đó, ông Cuomo nói ông cần thêm thông tin về tình hình dịch bệnh trước khi nới lỏng các biện pháp giới hạn. Tiểu bang New York là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nước Mỹ trong dịch COVID-19.
Người biểu tình kêu gọi mở cửa lại nền kinh tế tại Sailsbury, Maryland, Mỹ. Ảnh: REUTERS
Hiện nay, Mỹ có 2 bang Texas và Georgia đang dẫn đầu trong việc cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại sau thời gian dài phải đóng cửa vì dịch bệnh. Lãnh đạo tại các bang này và một số nơi khác chịu tác động từ dịch bệnh ít hơn đang chịu sức ép từ phía người dân.
Số liệu chính thức công bố hôm 30-4 cho thấy 30 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 21-3.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nga cho biết nước này đã ghi nhận tổng số ca nhiễm là 124.054 người. Trong vòng 24 giờ qua, Nga có 57 ca tử vong do mắc COVID-19, đưa tổng số người tử vong lên 1.222.
Xe xịt dung dịch khử khuẩn ở Moscow. Ảnh: REUTERS
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm trong một ngày cao nhất - với 5.358 ca. Các địa phương có nhiều người nhiễm khác gồm tỉnh Moskva – 807 trường hợp; thành phố St. Petersburg – 323; tỉnh Nizhny Novgorod – 320; tỉnh Murmansk – 143; Cộng hòa Dagestan – 109.
Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Moskva, ông Sergei Sobyanin trên trang blog cá nhân dẫn các kết quả xét nghiệm cho biết khoảng 2% dân số thủ đô, tức là khoảng 250.000 người, dương tính với virus SARS-CoV-2.
Canada thông báo số ca COVID-19 tăng từ 53.657 lên 55.572, trong khi số ca tử vong tăng từ 3.223 lên 3.446.
Thổ Nhĩ Kỳ có thêm 78 bệnh nhân qua đời vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 3.336. Bộ Y tế nước này cũng ghi nhận số ca nhiễm đã tăng thêm 1.983 lên 124.375.
Số ca tử vong tại Pháp tính đến ngày 2/5 đã tăng 166 lên 24.760. Số bệnh nhân tại các bệnh viện Pháp giảm từ 25.887 xuống còn 25.827.
Trong 24 giờ qua, số người tử vong do COVID-19 tại Anh đã tăng 621 người, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này tại Anh lên 28.131 người, gần bằng Italy, nước có số người tử vong cao nhất châu Âu với 28.710 ca.
Chính phủ Anh thông báo tổng số người dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này trong 24 giờ qua là 4.806 người, nâng tổng số bệnh nhân trên cả nước lên thành 182.260 người. Tuy nhiên, số bệnh nhân phải nhập viện giảm.
Bộ Y tế Brazil ghi nhận thêm 4.970 ca nhiễm và 421 trường hợp tử vong mới trong ngày 2-5. Tổng số ca COVID-19 của Brazil đang là 95.559 cùng với 6.750 bệnh nhân đã qua đời.
Ngày 2/5, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo nước này chỉ ghi nhận 1 ca mắc COVID-19, giảm so với 12 trường hợp trước đó một ngày, và không có ca tử vong. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc là 82.875 người, trong đó có 4.633 trường hợp tử vong.
Cũng trong ngày 2/5, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này chỉ tăng 6 ca lên 10.780 ca. Số ca tử vong tăng 2 ca lên 250 ca.
Sau khi tình hình lây lan dịch bệnh giảm bớt, ngày 19/4, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, song các quan chức nước này vẫn cảnh báo một làn sóng lây nhiễm mới có thể đến bất cứ lúc nào vì dịch COVID-19 có thể lây lan từ những người không có triệu chứng.
Tại ASEAN, tính tới hết ngày 2/5, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có 47.185 ca mắc COVID-19, trong đó 1.614 ca tử vong. Điểm nóng Singapore ghi nhận số ca mắc trong một ngày giảm hơn một nửa.
Singapore ghi nhận 447 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày 2/5, giảm mạnh so với con số 932 ca của ngày 1/5. Singapore vẫn là nước có tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN, với 17.548 ca. Đứng sau là Indonesia (10.843 ca) và Philippines (8.928 ca).
Về số ca tử vong, Indonesia đứng đầu khối với 831 ca, tiếp sau là Philippines với 603 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Brunei, Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam có xu hướng ổn định, không có ca mắc mới.
Bộ Y tế Nam Phi ngày 2/5 đã ghi nhận tổng cộng 6.336 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 385 trường hợp so với một ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi Nam Phi thông báo trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 hôm 5/3. Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 230.686 người sau khi tiến hành đo thân nhiệt cho trên 6 triệu trường hợp. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 2.549 ca khỏi bệnh.
Tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại Cameroon là 2.069 người sau 2 tháng kể từ khi cơ quan chức năng phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh.
Trong số 2.069 người này, 934 trường hợp đã được chữa khỏi bệnh, 61 người đã tử vong. Ngày 29/4, cơ quan chức năng Cameroon xác định tất cả 10 khu vực của đất nước đã phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó hơn một nửa được ghi nhận ở miền Trung, đặc biệt là thủ đô Yaounde.
Theo số liệu thống kê ngày 2/5, ngoại trừ Ai Cập, Maroc và Algeria là hai quốc gia có số ca mắc cao nhất ở khu vực Bắc Phi trong vòng 24 giờ qua và ở mức 3 con số liên tục trong khoảng một tuần qua.
Algeria đã ghi nhận 141 ca mắc COVID-19 và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 4.295 người và 459 ca tử vong.
Bộ Y tế Maroc cho biết nước này cũng ghi nhận 160 ca mắc COVID-19 và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này lên 4.729 người và 173 ca tử vong.
‘Dịch Covid-19 vẫn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế’ - Đó là tuyên bố mới đây của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Một số nước đóng cửa bớt các bệnh viện dã chiến – Đã và sẽ có thêm một số bệnh viện dã chiến ở Tây Ban Nha, Mỹ, Đức...đóng cửa hoặc chuyển đổi thành điểm xét nghiệm, do dịch COVID-19 thuyên giảm