Tính đến 6 giờ 15 sáng ngày 27/2, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 2.770 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 81.260 ca nhiễm.
Một bệnh viện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Đến nay đã có 55 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm 19 ca ở Iran, 12 ca ở Hàn Quốc, 12 ca ở Ý, sáu ca ở Nhật (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), hai ca ở đặc khu Hong Kong, hai ca ở Pháp, một ca ở Đài Loan và một ca ở Philippines.
Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 30.006 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19.
Theo AFP, các ca nhiễm virus corona mới đã lần lượt xuất hiện thêm ở các nước châu Âu, và châu Mỹ Latin cũng ghi nhận người nhiễm Covid-19 đầu tiên trong bối cảnh sự lây lan đang diễn ra mạnh mẽ bên ngoài Trung Quốc.
Hầu hết trường hợp nhiễm mới xuất hiện trên khắp châu Âu đều có liên quan đến điểm nóng bùng phát dịch ở miền Bắc Italy.
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy tăng thêm hơn 100 trường hợp chỉ trong ngày 26/2 và hiện tổng cộng 455 người nhiễm bệnh.
Có tổng cộng 455 ca nhiễm bệnh và 12 bệnh nhân qua đời vì virus SARS-CoV-2 tại Italy tính đến hết ngày 26/2.
Quảng trường Duomo phía trước Thánh đường Milan trở nên vắng vẻ trong ngày 26/2. Ảnh: Getty.
Dấu hiệu của sự lan rộng được thể hiện khi Brazil công bố trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona ở Nam Mỹ, một người đàn ông 61 tuổi từng có lịch sử du lịch đến vùng Lombardy miền Bắc Italy. Như vậy là virus corona đã xuất hiện trên tất cả các châu lục, trừ châu Nam Cực.
Ông Venko Filipce, Bộ trưởng Y tế Bắc Macedonia, cho biết bệnh nhân là một phụ nữ đến từ Ý. Cô này đã đi khám trong ngày 26/2. Cô đã lái xe từ Ý tới Bắc Macedonia. Tất cả những người đi cùng xe đang được kiểm tra.
Một số chính phủ các quốc gia đã khuyến cáo người dân không nên đến Italy du lịch, đặc biệt là với khu vực tâm dịch ở miền bắc đất nước tại hai vùng Lombardy và Veneto.
Tình hình lây nhiễm đang diễn biến phức tạp và Liên minh châu Âu đang tìm cách để hạn chế sự hoảng loạn.
Tây Ban Nha đã cách ly hàng trăm du khách tại một khách sạn trên quần đảo Canary vì một du khách người Ý nhập viện do nghi nhiễm virus COVID-19. Nước này đã ghi nhận 3 ca nhiễm.
Croatia xác nhận trường hợp nhiễm virus đầu tiên ở vùng Balkans sau khi một thanh niên trẻ vừa trở về từ Ý và dương tính với virus COVID-19.
Áo, giáp biên giới với Ý, cũng xác nhận 2 ca nhiễm đầu tiên trong ngày 25-2 tại tỉnh Tyrol.
Thụy Sĩ cũng xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, buộc Công ty thực phẩm Nestle của nước này phải tạm hoãn các chuyến công tác cho đến 15-3. Pháp thông báo 2 ca mới và Đức cũng báo một ca nhiễm COVID-19 mới.
Như vậy, tính đến 6 giờ 30 sáng 27-2, đã có 13 quốc gia châu Âu ghi nhận ca nhiễm COVID-19, bao gồm: Ý (322), Đức (18), Anh (13), Pháp (17), Nga (2), Tây Ban Nha (3), Áo (2), Bỉ (1), Phần Lan (1), Croatia (1), Thuỵ Điển (1), và Thụy Sỹ (1), Bắc Macedonia (1).
Nga ngừng cấp visa tới Iran - Mỹ cảnh báo công dân không đến Iran, Mông Cổ và Ý
Nga cũng khuyến cáo công dân không đi đến Ý do lo ngại về tình hình dịch bệnh. Nga cũng sẽ ngừng các chuyến bay giữa Nga và Hàn Quốc từ ngày 1/3 trừ các chuyến bay của hai hãng hàng không Aeroflot và Aurora. Các chuyến bay từ Hàn Quốc và Iran sẽ chỉ được hạ cánh ở nhà ga được chỉ định ở sân bay Sheremetyevo tại Matxcơva.
Hãng tin Yonhap ngày 26/2 đưa tin Hàn Quốc đã xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước này là một phụ nữ Trung Quốc đến từ thành phố Vũ Hán - nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19.
Khoảng 80% số ca nhiễm Hàn Quốc hiện đến từ hai "ổ dịch": Một ở TP Daegu - nơi có nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa và nữ bệnh nhân "siêu lây nhiễm" và một ở Bệnh viện Daenam thuộc quận Cheongdo (tỉnh Bắc Gyeongsang).
Một số tỉnh, thành lớn của Hàn Quốc cũng báo cáo các ca nhiễm mới. Trong đó, thủ đô Seoul ghi nhận thêm bốn ca nhiễm. Còn Busan - TP lớn thứ hai Hàn Quốc ghi nhận thêm tám ca nhiễm mới, theo KCDC.
Đài CNN dẫn thông báo ngày 26/2 của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho hay một quân nhân Mỹ nhiễm COVID-19. Quân nhân 23 tuổi này đồn trú tại căn cứ tỉnh Bắc Gyeongsang, hiện đang tự cách ly ở nơi cư trú nằm ngoài căn cứ quân sự. Được biết, đây là trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên của quân đội Mỹ.
Trong các ca nhiễm thuộc Hàn Quốc có tám binh sĩ bộ binh, một sĩ quan hải quân, một sĩ quan không quân và một sĩ quan thủy quân lục chiến. 7.700 binh sĩ Hàn Quốc cũng đang bị cách ly từ hôm 24/2 nhằm ngăn dịch lây lan tại các doanh trại quân đội.
WHO đã kêu gọi các quốc gia chuẩn bị cho việc Covid-19 trở thành một đại dịch toàn cầu, ngay cả khi các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong ở Trung Quốc đã liên tục giảm trong những ngày qua.
Cơ quan này cũng cảnh bảo rằng các nước nghèo và đang phát triển đặc biệt có nguy cơ đối mặt với rủi ro lớn từ bệnh dịch, làm dấy lên câu hỏi về việc các quốc gia Nam Mỹ và châu Phi sẽ đối phó như thế nào với Covid-19.