Cập nhật dịch Covid-19 sáng 7/5: Thêm 1 ca mắc trong cộng đồng tại Thanh Hóa

(VOH) - Đây là F1 của chuyên gia Trung Quốc (nhập cảnh tại Yên Bái). Việt Nam hiện có 3.091 bệnh nhân. Còn trên thế giới đã có hơn 156,6 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2.

Bản tin sáng 7/5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 1 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại Thanh Hoá. Đây là F1 của chuyên gia Trung Quốc (nhập cảnh tại Yên Bái). Việt Nam hiện có 3.091 bệnh nhân. Đến sáng nay thế giới ghi nhận trên 156,6 triệu ca mắc.

Số ca mắc ở Việt Nam:

   - Tính đến 6 giờ ngày 7/5: Việt Nam có tổng cộng 1691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 121 ca, trong đó liên quan đến ổ dịch Hà Nam ghi nhận 20 ca, ổ dịch Vĩnh Phúc ghi nhận 26 ca, tại BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh ghi nhận 38 ca, Bắc Ninh ghi nhận 12 ca, Hà Nội 9 ca, số ca bệnh còn lại ghi nhận tại nhiều, tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hưng Yên, Thái Bình...

    - Tính từ 18 giờ ngày 6/5 đến 6h ngày 7/5: 01 ca mắc mới ghi nhận trong nước.

Số ca mắc COVID-19 của thế giới

   - Cả thế giới có 156.645.309 ca mắc, trong đó 133.946.684 đã khỏi bệnh; 3.268.378 ca tử vong và 19.430.247 điều trị (109.413 ca diễn biến nặng)


   - Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 726.766 ca, tử vong tăng 10.109 ca

   - Ấn Độ có người mắc trong ngày cao nhất với 414.433 ca, tử vong 3.920 người; sau đó là Brazil 67.099 ca mắc, 2.304 ca tử vong; Mỹ tăng 42.769 ca mắc, 814 ca tử vong

   - Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 18.563 ca, trong đó: Philippines tăng 6.637 ca, Indonesia tăng 5.647 ca, Malaysia tăng 3.511 ca, Thái Lan tăng 1.911 ca, Campuchia tăng 650 ca, Lào tăng 105 ca, Timor-Leste tăng 84 ca, Singapore tăng 18 ca

Thông tin ca mắc mới: 01 ca mắc mới (BN3091) ghi nhận trong nước tại Thanh Hoá. Cụ thể:

CA BỆNH 3091 (BN3091) ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa: Bệnh nhân nam, 42 tuổi, địa chỉ tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Bệnh nhân là F1 của chuyên gia Trung Quốc (nhập cảnh cách ly tại tỉnh Yên Bái).

Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 06/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Cập nhật dịch Covid-19 sáng 7/5: thêm 1 ca mắc trong cộng đồng tại Thanh Hóa 1
Binh chủng hóa học - Bộ Quốc phòng phun hóa chất khử trùng tại khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 vào chiều 6/5 - Ảnh: TTO

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 40.736, trong đó:

   - Cách ly tập trung tại bệnh viện: 560

   - Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 21.733

   - Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 18.443.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: Tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.560/3091

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước  hiện có 76 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 24 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 14 ca; số ca âm tính lần 3 là 38 ca.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Theo TS. Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết: "
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4 biến chủng SARS-CoV-2 từ SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán đang lưu hành tại Việt Nam. Biến chủng có nguồn gốc Châu Âu được xác định từ tháng 7 năm 2020. Tháng 1 năm 2021, Việt Nam ghi nhận biến chủng B.1.351 lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi. Biến chủng B.1.1.7 xuất hiện lần đầu tại Anh là căn nguyên của hai ổ dịch COVID-19 cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh đã được xác định vào tháng 2/2021. Ngày 5/5/2021, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố kết quả giải trình tự gen của một số mẫu trong các ổ dịch cộng đồng tại Vĩnh Phúc và Hà Nam. Trong đó, 3 mẫu từ Vĩnh Phúc thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ; các mẫu từ Hà Nam thuộc chủng B.1.1.7.
Biến thể B.1.617.2 lần đầu được xác định tại Ấn Độ vào tháng 12/2020, sau đó 20 quốc gia đã thông báo sự có mặt của biến thể này. Các nhà khoa học đã xác định được 3 đột biến L452R, E484Q, P618R trên protein gai của biến thể B.1.617 (biến chủng B1.617.2 tại Việt Nam mang 2/3 đột biến quan trọng: L452R, P618R) làm tăng khả năng bám gắn của virus vào tế bào đích, có thể dẫn đến việc gia tăng khả năng lây nhiễm, cũng như làm tăng khả năng trốn tránh miễn dịch của virus.
Trong thời gian gần đây, xuất hiện các trường hợp dương tính sau khi hết thời gian 14 ngày cách ly cho thấy khả năng virus có những thay đổi trong quá trình gây bệnh. Việc cùng lúc nhiều biến thể của virus lưu hành thực sự là một trở ngại cho công tác phòng chống dịch, bởi chúng ta phải đối phó với những đặc tính khác nhau của mỗi biến thể. Hi vọng cùng với sự phối hợp của người dân và chính phủ, ngành Y tế có thể kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian tới."
                                                                                                           Theo Suckhoedoisong.vn