Câu chuyện ấm áp sau những số điện thoại hỗ trợ miễn phí cho F0

(VOH) - Không ít bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch này đã được hỗ trợ kịp thời nhờ những cuộc điện thoại kết nối với những người mà… họ chưa từng quen biết.

Những số điện thoại ấy là của những tổ chức hay nhóm tình nguyện có tên hoặc không tên mà trong những lúc lo lắng và bối rối nhất, người bệnh bất chợt tìm được số ở trên mạng và gọi vào nhờ hỗ trợ.

Đằng sau các số điện thoại ấy là lực lượng tình nguyện viên không nhỏ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, điều kiện khác nhau – và trong lúc các lực lượng tuyến đầu tại TPHCM chịu nhiều áp lực nhất – họ là những người không ngại khó khăn, nguy hiểm góp sức vào việc hỗ trợ điều trị các F0 tại nhà, giảm tải cho các bệnh viện.

covid-19
Các tình nguyện viên hỗ trợ chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng tới bệnh viện (Ảnh: LHB)

Mới đây, sau khi mẹ của mình được điều trị khỏi bệnh, một cựu sinh viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM đã gửi lời cảm ơn tới người thầy – điều phối một nhóm tình nguyện: “Em là một cựu sinh viên ở IU (Trường Đại học Quốc tế). Ngày em còn theo học thầy vẫn đang là hiệu trưởng. Đầu tháng này, mẹ em bị Covid-19 và tình trạng chuyển biến khá tệ khi mẹ đã có dấu hiệu suy hô hấp và bệnh viện dã chiến không thể nhận.

Khi đó bác em đã may mắn kết nối được với một nhóm thiện nguyện và được nhóm hỗ trợ liên hệ bệnh viện, gọi xe để chuyển mẹ em đi cấp cứu kịp thời. Đến nay mẹ em đã khỏe và được xuất viện. Khi hỏi ra, em mới biết nhóm thiện nguyện đã giúp đỡ mẹ em lúc đó là nhóm của thầy. Em vừa bất ngờ vừa cảm thấy may mắn và cũng rất biết ơn thầy và các anh chị trong nhóm, nếu không có mọi người có lẽ mẹ em cũng đã không thể được cứu chữa kịp thời và giữ được tính mạng. Em rất biết ơn và cám ơn thầy và nhóm mình nhiều. Em chúc thầy và các anh chị trong nhóm thật nhiều sức khỏe, bình an và tinh thần tích cực để có thể giúp được nhiều nhiều người hơn nữa, và rồi thành phố mình sẽ vượt qua được đại dịch khó khăn này”.

Người thầy được cậu trò nhắc tới là PGS.TS Hồ Thanh Phong – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM.

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 xuất hiện tại TPHCM, thầy Hồ Thanh Phong cùng đồng nghiệp, bạn bè là giảng viên, học trò cũ, các y bác sĩ, doanh nhân đã cùng nhau đóng góp tặng gần 100 tấn gạo cho người dân khó khăn; tặng vật tư y tế cho các bệnh viện dã chiến…

Khi dịch bệnh trở nên phức tạp, các bệnh viện quá tải, TPHCM triển khai các biện pháp giãn cách, việc đi lại trở nên khó khăn, những người cần giúp đỡ số người cần hỗ trợ nhiều hơn mỗi ngày, đặc biệt là những người mắc Covid-19 điều trị tại nhà, Thầy Phong đã lập “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà với số điện thoại (hotline) là 08 6620 7299.

covid-19, bình oxy
Tình nguyện viên chuẩn bị chuyển oxy tới nhà bệnh nhân (Ảnh: BN)

Nhóm đã quy tụ hơn 80 bác sĩ các chuyên khoa và hơn 100 tình nguyện viên làm ở các khâu kết nối với bệnh nhân, với bác sĩ, với y tế địa phương, mua và chia thuốc, vận chuyển thuốc và oxy…

Số F0 tại nhà liên hệ với nhóm của thầy Phong cao điểm lên đến hàng trăm ca mỗi ngày và số ca khỏi bệnh cũng tăng lên hàng ngày. Từ nhẹ cho đến nặng, từ tư vấn, cấp thuốc, trợ giúp oxy cho đến hỗ trợ nhập viện, nhóm đều làm hết sức và đều thành công.

covid-19

Người dân ra nhận thuốc sau khi nhóm tình nguyện mang thuốc tới nhà (Ảnh: BN)

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - Điều phối nhóm Vận chuyển trong “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” đã chia sẻ về phương thức hoạt động của nhóm và những câu chuyện xung quanh quá trình hỗ trợ F0 tại nhà.

[Audio] Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ về hoạt động tư vấn điều trị, cấp thuốc, trợ giúp oxy miễn phí của "Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự”

Cùng mục tiêu như “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự”, Tổng đài OxyMap là một nhóm tình nguyện khác cũng xông pha trên trận tuyến chống dịch tại TPHCM trong thời gian qua.

Tổng đài OxyMap với chức năng cho mượn bình oxy miễn phí nhằm hỗ trợ bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà do ông Lê Hải Bình, người sáng lập hệ thống "ATM gạo thông minh" cùng 2 người bạn đã nghiên cứu và phát triển.

oxymap, hỗ trợ bệnh nhân Covid-19
Những bình oxy chuẩn bị được chuyển tới người dân (Ảnh: LHB)

Tổng đài OxyMap - 028 7777 7788 hoạt động phi lợi nhuận của các cá nhân tình nguyện, với sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia trong ngành y tế. Với mục tiêu phát triển hệ thống cung cấp bình oxy khẩn cấp miễn phí cho bệnh nhân Covid-19 đang cách ly tại nhà trong thời gian chờ được xử lý y tế. Mỗi bệnh nhân cần được trợ giúp, sẽ được hỗ trợ cho mượn 1 bình oxy (dung tích từ 9-20 lít) – và được đổi bình oxy mới trước khi hết khí.

Ông Lê Hải Bình, người sáng lập hệ thống Tổng đài OxyMap chia sẻ chi tiết về hoạt động cung cấp oxy cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà.

[Audio] Ông Lê Hải Bình chia sẻ về Tổng đài OxyMap

Tổng đài OxyMap đang có tổng cộng 3.019 bình oxy với 143 trạm oxy miễn phí cho bệnh nhân Covid-19 tại tất cả phường của các quận 5, 6, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh và trạm trung tâm cho các quận Gò Vấp, 12, Bình Thạnh...

Những bệnh nhân F0 điều trị tại nhà cần oxy có thể liên hệ qua tổng đài của OxyMap 028 7777 7788 và làm theo hướng dẫn. Các tình nguyện viên của OxyMap sẽ điều phối để đưa đến kịp thời, nhanh chóng nhất cho bệnh nhân.

Ngoài ra, khi gọi vào số tổng đài và bấm phím tương ứng với quận, huyện mình đang ở, người dân sẽ được kết nối trực tiếp đến số máy di động của đội y - bác sĩ tại trạm y tế phường, xã. Thông qua các trao đổi, hướng dẫn, y - bác sĩ sẽ là người chỉ định việc sử dụng bình oxy nhằm hạn chế "lạm dụng" bình oxy có thể dẫn tới các hậu quả không tốt.

covid-19, oxymap
Bình oxy được chuyển tới các trạm y tế phường để nhanh chóng chuyển đến người dân (Ảnh: LHB)

Điểm đặc biệt là mỗi bình oxy của OxyMap được gắn một mã QR riêng để quản lý. Đội ngũ tại trạm chỉ quét mã QR và qua 1-2 thao tác bấm trên ứng dụng là đã hoàn tất các quy trình cho mượn, đổi, thu hồi bình oxy. Toàn bộ dữ liệu liên quan đến bình oxy được đẩy về hệ thống điều hành trung tâm.

Tại đây sẽ có các đội phản ứng nhanh phụ trách địa bàn có nhiệm vụ mang bình đầy khí đi đổi lấy bình hết khí tại các trạm. Việc này giúp tối ưu hiệu suất sử dụng một bình oxy, giúp phân bổ số lượng bình tại các trạm khác nhau một cách hợp lý nhất, giảm tối đa việc mất mát bình oxy do không có quản lý.

Ông Lê Hải Bình cho biết tất cả thông tin nguồn bình oxy đang ở đâu hay các khoản đóng góp được sử dụng ra sao đều được công khai trên website oxymap.vn.

Thực tế, khó có thể thống kê số lượng nhóm tình nguyện hỗ trợ người dân cũng như F0 điều trị tại nhà trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là sự chung tay của các tình nguyện viên và các nhóm tình nguyện trong cuộc chiến phòng chống dịch là sự động viên, tiếp sức vô cùng ý nghĩa đối với bản thân các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, đặc biệt góp sức không nhỏ trong chiến lược phòng, chống Covid-19 của Thành phố.

Bình luận