Tổ y tế tư vấn từ xa Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp sức chăm sóc F0 điều trị tại nhà

(VOH) - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đưa vào hoạt động mô hình "Tổ Y tế từ xa" qua hotline 028.99999.115 hỗ trợ theo dõi, chăm sóc bệnh nhân F0 đang thực hiện cách ly tại nhà.

Nhằm hỗ trợ công tác theo dõi người bệnh, chăm sóc sức khỏe và điều trị dự phòng để hạn chế thấp nhất tỉ lệ người F0 bệnh nhẹ chuyển sang có triệu chứng và trở nặng, trong gần 2 tháng qua, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chính thức đưa vào hoạt động mô hình "Tổ Y tế từ xa" qua hotline 028.99999.115 hỗ trợ theo dõi, chăm sóc bệnh nhân F0 đang thực hiện cách ly tại nhà theo quy định trên địa bàn TP.HCM.

Tổ y tế này đã huy động hơn 700 nhân viên y tế (gồm chuyên gia, bác sĩ, giảng viên và sinh viên y khoa năm cuối của Trường) trực tiếp tư vấn trong 3 khung giờ 8h00 - 10h00; 14h00 - 16h00; 18h00 - 20h00, nhằm tăng cường nguồn nhân lực hỗ trợ ngành y tế, góp sức cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn với Sinh viên tiêu biểu Bùi Thanh Phước (thành viên quản lý 1 cụm của quận 10). 

*VOH: Chào Thanh Phước, chắc chắc Phước sẽ nói nhiều hơn thông tin về tổ tư vấn y tế từ xa này?

Bùi Thanh Phước: Tổ y tế từ xa của trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch đã được thành lập gần 1 tháng rưỡi, nhưng số lượng bệnh nhân F0 mà tổ y tế thu dung và hỗ trợ theo dõi điều trị đã đến 3.000 bênh nhân. Khi các bệnh nhân gọi vào số hotline 028.99999.115 sẽ được các bạn của tổ tư vấn nhận cuộc gọi và phân loại bệnh, tổ y tế sẽ theo dõi các bệnh nhân ở mức độ nhẹ và trung bình. Mỗi ngày sẽ theo dõi 2 lần hoặc nhiều hơn khi cần thiết để phát hiện những bênh nhân nào khi chuyển độ từ độ nhẹ sang trung bình, tư vấn họ về mặt sức khỏe cũng như phòng tránh lây nhiễm cho những người thân trong gia đình, phát hiện chuyển độ kịp thời và liên hệ với trung tâm, bệnh viện cấp cứu, bệnh viện dã chiến để họ tiếp cận với y tế tốt nhất trong điều trị bệnh. Ngoài ra, tổ y tế từ xa cũng thiết kế những ấn phẩm truyền thông như trên mạng hiện nay, là sổ tay dành cho F1, F0, các video về hướng dẫn tập thở.

Tổ y tế tư vấn từ xa, Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngày 10 tháng 9 năm 2021
Ảnh: TTO

*VOH: Khi bất kỳ một ai không may trở thành F0, phần lớn họ sẽ khá hoang mang, vậy tổ tư vấn sẽ có những cách trấn an, động viên như thế nào. Làm sao có thể giúp được họ ngay thời điểm cửa sổ vàng?

Bùi Thanh Phước: Đa số người dân chúng ta, kiến thức y khoa ở mức căn bản, nên khi gặp vấn đề gì đó họ khá lo sợ. Và vì mình chưa hiểu đươc căn bệnh này nên mình sẽ rất lo sợ. Việc đầu tiên khi tổ y tế tiếp cận với bệnh nhân là sẽ giải thích cho họ là bệnh này lây nhiễm như thế nào, bởi vì vấn đề là họ rất sợ lây nhiễm cho người thân. Mình sẽ giải thích, chỉ cho họ những biện pháp có thể áp dụng để tránh lây nhiễm cho người thân của mình. Thứ 2 là về diễn tiến bệnh, vì căn bệnh này là diễn tiến theo từng giai đoạn. Tùy theo bệnh nhân còn có thêm những căn bệnh khác, những yếu tố nguy cơ gì mà bệnh diễn tiến nhẹ, trở nặng hay trung bình. Mình nói cho họ biết, qua đó họ cũng sẽ hiểu và cùng hợp tác với tổ y tế từ xa theo dõi triệu chứng, trong giai đoạn có khả năng chuyển biến nặng. Còn nếu bệnh đã diễn tiến nhanh hơn thì như thế nào, đương nhiên là khi chuyển độ thì mình sẽ chỉ cho gia đình cách liên hệ với các bệnh viện một cách nhanh nhất nếu thật sự bệnh đã thật sự cần phải nhập viện. Nếu bệnh viện dã chiến đã đồng ý, Tổ y tế từ xa cũng có kết hợp với đội cấp cứu, taxi 115, cũng thuộc trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thì khi bệnh viện dã chiến đã có chỗ, chúng tôi sẽ giúp liên hệ qua đội taxi này thì sẽ có xe đến đón bệnh nhân từ nhà đến bệnh viện nơi đã có chỗ tiếp nhận. Tuy nhiên trường hợp bệnh nhân chưa chuyển độ nặng, ở mức trung bình thì chúng tôi sẽ hỗ trợ họ qua các gói thuốc B của Bộ Y tế  quy định, có những thuốc kháng viêm, kháng đông. Tùy từng bệnh nhân mà chúng tôi sẽ có những bác sĩ đánh giá đầy đủ và chỉ định thuốc cho họ trong trường hợp họ chưa có khả năng đi đến bệnh viện dã chiến.

* VOH: Một ngày ê kip của tổ sẽ hoạt động như thế nào?

Bùi Thanh Phước: Đa số sẽ làm việc từ nhà và thăm khám bệnh nhân qua Zalo Video, sẽ có 3 khung giờ hoạt động là sáng – trưa – chiều, khung giờ này được lập ra là vì khi chúng tôi thăm khám bệnh nhân thì có cả 1 đội khám để chúng ta có thể theo dõi bệnh nhân thật sát, thật tốt.

* VOH: Suốt thời gian vừa qua khi thực hiện công việc này bản thân học hỏi được thêm những điều gì? Làm việc có ý nghĩa giúp cho tinh thần bạn được phấn chấn hơn như thế nào trong mùa dịch này?

Bùi Thanh Phước: Khi tụi em tiếp cận với các bệnh nhân, chỉ thăm khám qua zalo video, không có trực tiếp nhìn, sờ, gõ, nghe… không như khi đi khám ở bệnh viện, nên thật sự cũng hơi khó. Vì 1 bệnh nhân họ không chỉ bị Covid mà đôi khi họ còn có những bệnh lý nền khác… chính những việc này giúp chúng em rèn luyện, ôn lại bài đã học, xem lại cách sử dụng của từng loại thuốc,  cũng như hội ý các anh chị bác sĩ, giống như 1 bệnh viện online. Cho nên cũng giúp ích nhiều cho tụi em trong hành trang vào đời.

Đối với tình hình dịch bệnh hiện nay thì chúng ta hãy luôn nhớ tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế để phòng tránh lây nhiễm. Đối với những bệnh truyền nhiễm như thế này thì việc phòng tránh lây nhiễm để không bị bệnh là quan trọng nhất. Tiếp theo là vaccine, mình cũng khuyên mọi người là khi chúng ta có điều kiện tiêm vaccine thì dù bất kì loại vaccine nào chúng ta cũng hãy tiêm. Vì khi tiêm vaccine rồi thì nếu không may mắc bệnh thì việc chuyển nặng sẽ thấp. Bên cạnh đó nâng cao thể chất, tinh thần trong mùa dịch cũng vô cùng quan trọng. Giữ cho mình tinh thần bình tĩnh, học những điều mới, quan tâm gia đình, chúng ta đang tương tác xã hội, làm thêm nhiều điều ý nghĩa, như vậy cuộc sống chúng ta sẽ giá trị và bớt trống trải hơn.

* VOH: Xin cảm ơn bạn!