Chàng trai hôn mê, nhiễm trùng máu, suy nội tạng sau khi bị muỗi đốt

(VOH) - Sau khi bị muỗi đốt, chàng trai 27 tuổi đã rơi vào tình trạng hôn mê và phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, cấy ghép da để giành lại sự sống.

Tờ Times Now News đưa tin, anh Sebastian Rotschke, 27 tuổi, ở Rodermark (Đức) đã rơi vào tình trạng hôn mê, bị nhiễm trùng máu, suy gan, thận, tim, phổi sau khi bị muỗi đốt, và phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, cắt cụt hai ngón chân. 

Theo các bác sĩ, vết chích còn dẫn đến một loại vi khuẩn ác tính ăn mòn gần nửa mô da ở đùi trái của anh, và Rotschke phải tiến hành cấy ghép da để loại bỏ áp xe.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Star, anh Rotschke cho biết: “Tôi chưa từng ra nước ngoài. Vết cắn chắc chắn đã xảy ra ở đây. Tôi bị muỗi chích rồi mọi chuyện tồi tệ bắt đầu từ đó. Tôi nằm liệt giường, hầu như không thể đi vệ sinh, bị sốt và không thể ăn. Tôi nghĩ mọi chuyện sắp kết thúc. Đột nhiên tôi thấy quần mình ướt sũng. Một vết áp xe khổng lồ hình thành trên đùi trái của tôi. Các bác sĩ rất nhanh chóng đoán ra nguyên nhân là do muỗi hổ châu Á chích và gọi bác sĩ chuyên khoa đến”.

Hiện tình trạng sức khỏe của Rotschke đang dần phục hồi. 

Chàng trai hôn mê, nhiễm trùng máu, suy nội tạng sau khi bị muỗi đốt 1
Bị muỗi chích, chàng trai bị nhiễm trùng máu, bị suy gan, thận, tim - Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên

Muỗi hổ châu Á, còn được gọi là Aedes Albopictus, có nguồn gốc từ các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của Đông Nam Á. Trong vài thập kỷ qua, loài muỗi nguy hiểm này đã lan sang nhiều nước châu Âu.

Chúng có hình thể nhỏ, màu đen; đặc trưng bởi các dải màu trắng trên chân và cơ thể; thường hút máu vào ban ngày. Theo các nhà khoa học, vật chủ chứa nhiều mầm bệnh virus, bao gồm virus sốt vàng da, sốt Chikungunya, bệnh giun chỉ ở chó Dirofilaria immitis, virus Zika…

Muỗi hổ châu Á cũng là vật mang mầm bệnh sốt xuất huyết, một trong những căn bệnh nguy hiểm gây tử vong cao ở nhiều nước châu Á và châu Mỹ Latinh. Theo WHO, số ca mắc sốt xuất huyết được báo cáo đã tăng hơn 8 lần trong hai thập kỷ qua, từ 505.430 ca năm 2000 lên hơn 5,2 triệu ca vào năm 2021.