Chờ...

Chất phụ gia và những điều nên biết

(VOH) - Chất phụ gia là sản phẩm giúp thực phẩm cải thiện được màu sắc và hương vị, đồng thời bảo quản lâu hơn. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu và lạm dụng chất phụ gia có thể nguy hiểm đến sức khỏe.

1. Chất phụ gia là gì?

Cuộc sống càng hiện đại, nhu cầu ăn ngon càng cao thì con người càng nghiên cứu và sản xuất ra nhiều hóa chất cho vào thực phẩm giúp làm tăng hương vị, màu sắc bắt mắt hơn. Và một trong nhiều hóa chất đó là chất phụ gia.

chat-phu-gia-va-nhung-dieu-nen-biet-voh-1

Chất phụ gia tạo màu được dùng phổ biến trong sản xuất bánh kẹo (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Lê Văn Nhân (Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM), chất phụ gia là những chất không được coi là thực phẩm hoặc một thành phần của thực phẩm. Chất phụ gia có ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng, được người tiêu dùng cho vào thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu công nghệ, chế biến và bảo quản thực phẩm.

Có nhiều loại chất phụ gia, có những loại phụ gia được phép sử dụng nhưng có một số chất bị cấm dùng trong chế biến thực phẩm vì mức độ gây hại cho sức khỏe cao.

Hiện nay, Bộ Y tế nước ta cũng đã nêu rõ quy định về việc sử dụng chất phụ gia thực phẩm. Theo đó, người sản xuất, doanh nghiệp phải tuân thủ luật khi sử dụng chất phụ gia về liều lượng và loại phụ gia đang dùng.

2. Mục đích sử dụng chất phụ gia

Theo bác sĩ Nhân, có nhiều loại chất phụ gia và mỗi loại sẽ được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Cụ thể là:

  • Tạo độ rắn chắc cho thực phẩm.
  • Tạo màu sắc bắt mắt cho thực phẩm.
  • Tạo độ xốp, dẻo, dai, giòn cho thực phẩm.
  • Tạo vị ngọt.
  • Điều chỉnh, điều vị cho thực phẩm.
  • Giúp thực phẩm bảo quản được lâu hơn, chống nấm mốc.

Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng thường dùng trong các thực phẩm đóng gói như bánh, kẹo, nước ngọt, mì gói,…hay các thực phẩm tươi sống như ướp thịt, cá, giò, chả, nem, bánh phở, bún,…

3. Chất phụ gia có hại không?

Thông thường, khi đã đưa vào danh sách được phép sử dụng thì chất phụ gia đó đã được nghiên cứu và đánh giá an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, danh sách phụ gia được phép sử dụng ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau, do còn nhiều ý kiến khác nhau về mức độ độc hại của chất phụ gia đó.

Chất phụ gia được phép sử dụng được cho là an toàn với sức khỏe nhưng đối với một số cơ thể có thể gặp tác dụng phụ sau khi dùng một chất phụ gia nào đó. Cụ thể là:

  • Gây dị ứng, ngứa ngáy, da nổi đỏ;
  • Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn;
  • Khó thở;
  • Nặng hơn có thể gây ung thư, tùy vào chất phụ gia sử dụng mà có thể bị ung thư gan, ung thư thận, ung thư bàng quang,…

Nhìn chung, một số chất phụ gia mặc dù được Bộ Y tế cho phép sử dụng nhưng không phải hoàn toàn vô hại. Vì vậy, bạn nên thận trọng trước khi sử dụng một số thực phẩm có chứa chất phụ gia.

4. Một số chất phụ gia có hại trong thực phẩm

4.1 Nhóm sunfit

Nhóm chất phụ gia sunfit được dùng nhiều trong rau quả khô, đồ đông lạnh, rượu, bánh, mứt,…theo bác sĩ Nhân, nhóm chất phụ gia này có thể gây tác dụng phụ như làm tăng thêm trạng thái dị ứng ở những người có cơ địa dị ứng. Do đó, những người có tiền căn dị ứng thì trước khi dùng các thực phẩm khô, đóng gói phải xem thành phần có sunfit hay không. 

Chất phụ gia nhóm sunfit cũng đã bị cấm sử dụng trong một số món salad ăn sống ở Canada vào năm 1987.

4.2 Nhóm nitrit và nitrat

Nhóm này thường được dùng để muối thực phẩm và ướp thịt. Người ta nhận thấy nhóm chất phụ gia này có thể tạo ra màu hồng tươi cho thịt, cá được hấp dẫn, tuy nhiên, người ta lo ngại chất phụ gia này có thể chuyển thành nitrosamine lúc chiên, nướng. Do đó, chất phụ gia này được kiểm soát chặt chẽ trong sử dụng.

4.3 Bột ngọt

chat-phu-gia-va-nhung-dieu-nen-biet-voh-2

Nên hạn chế sử dụng bột ngọt khi nấu ăn (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Nhân cho biết, bột ngọt là chất phụ gia đã được nhiều nước loại bỏ trong khi chế biến thức ăn. Có một số tài liệu đã chứng minh, bột ngọt là “thủ phạm” của hội chứng nhà hàng tàu (nhà hàng Trung Quốc thường sử dụng bột ngọt rất nhiều để nêm nếm). Hội chứng này gây ra những triệu chứng như đỏ mặt, khó chịu, nhức đầu, buồn nôn, cao huyết áp,…Do đó, nếu bạn bị dị ứng với bột ngọt thì không nên sử dụng, nếu có dùng thì nên dùng ít.

4.4 Đường hóa học

Đường Aspartame là loại đường hóa học được phép sử dụng, có vị ngọt gấp 200 lần so với đường thường. Loại đường này được sử dụng khắp nơi, thường dùng trong các thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt,…Thực tế, có rất nhiều người sau khi sử dụng các thực phẩm có loại đường này bị chóng mặt, nhức đầu,…

5. Lời khuyên

  • Nhìn chung, chất phụ gia mặc dù được phép sử dụng nhưng không phải hoàn toàn vô hại. Do đó, bạn nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có chứa chất phụ gia. 
  • Nếu muốn tạo màu cho sản phẩm tốt nhất nên sử dụng các thực phẩm có màu tự nhiên như lá dứa tạo màu xanh, củ dền tạo màu đỏ, lá cẩm tạo màu tím,…
  • Nếu sử dụng các thực phẩm đóng gói thì nên chọn mua của những doanh nghiệp, nhà sản xuất uy tín. Vì những địa chỉ uy tín sẽ luôn tuân thủ về luật sử dụng chất phụ gia trong thực phẩm.
  • Nếu có tiền sử dị ứng với chất phụ gia thì bạn nên kiểm tra thành phần trước khi mua dùng. Thông thường, các nhà sản xuất chỉ ghi chất phụ gia bằng ký hiệu, vì vậy, bạn có thể tra cứu các ký hiệu của chất phụ gia trong quyết định 3742 của Bộ Y tế.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Lê Văn Nhân tại audio bên dưới: