Chờ...

Chất tạo ngọt aspartame trong nước ngọt, kem, kẹo cao su có gây ung thư?

VOh - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xem xét dán nhãn aspartame - chất tạo ngọt nhân tạo nổi tiếng trong thực phẩm và đồ uống, thành chất gây ung thư.

Ngày 29/6, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) - thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, họ sẽ đưa chất tạo ngọt aspartame vào danh sách những chất có thể gây ung thư từ tháng 7 tới.

IARC đã tiến hành đánh giá mức độ an toàn của chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có trong một số loại nước giải khát, kem hay kẹo cao su.

Tuy nhiên, IARC vẫn đang xem xét xem aspartame sẽ được đưa vào danh sách các chất có nguy cơ gây ung thư hay danh sách các chất gây ung thư.

Chất tạo ngọt aspartame
Aspartame - được tìm thấy trong nước ngọt dành cho người ăn kiêng như Coke Zero - Ảnh: NYDailynews

Theo Fortune, chất tạo ngọt nhân tạo aspartame được dùng phổ biến trong các loại thực phẩm và đồ uống từ những năm 1980.

Chất này có trong Coca không đường (Diet Coke), kẹo cao su không đường cho đến sữa chua ít đường của Dannon Activia. Thậm chí chất này còn có trong ngũ cốc ăn sáng, một số loại thuốc ho ngọt không đường cùng một số kem đánh răng.

Tuy nhiên phía WHO cho biết, có rất ít bằng chứng liên kết aspartame với bệnh ung thư hiện nay. Các đánh giá nghiên cứu với chất này với nguy cơ ung thư nằm ở mức thấp nhất trong bảng liệt kê nếu so sánh với chất diệt cỏ Glyphosate hay amiăng trong thuốc lá.

Lần cuối cùng WHO có nghiên cứu về aspartame là vào năm 1981 với kết quả liều dùng hàng ngày có thể chấp nhận được không vượt quá 40mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu chứng minh chất aspartame là nguyên nhân gây ung thư.

Cụ thể, một nghiên cứu được thực hiện năm 2022 ở Pháp với sự tham gia của khoảng 100.000 người đã cho thấy, những người tiêu thụ một lượng lớn các chất tạo ngọt, trong đó có cả aspartame đều có nguy cơ mắc ung thư cao hơn thông thường một phần nhỏ.

Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Ramazzini (Ý) đầu những năm 2000 cũng đã báo cáo một số chứng ung thư ở chuột nhắt và chuột cống có liên quan đến chất aspartame.