Theo Dailymail, thường xuyên hít phải các chất tẩy rửa mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính lên tới 32% - dù nguyên nhân chính của bệnh thường là hút thuốc.
Các phát hiện này có ý nghĩa đối với y tá, lao công và những người sử dụng chất tẩy rửa như một phần công việc hàng ngày.
Các nghiên cứu trước đây từng khám phá ra sự liên quan giữa việc tiếp xúc với chất khử trùng đến vấn đề về hô hấp như hen suyễn, nhưng ít chú ý đến sự đóng góp của chúng đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD - Chronic Obstructive Pulmonary Disease).
Sử dụng chất tẩy và các chất khử trùng gia đình làm tăng nguy cơ phát triển bệnh phổi gây tử vong (Ảnh: Shutterstock).
COPD là một nhóm các tình trạng bệnh lý phổi: viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Bệnh lý này ảnh hưởng đến khoảng 3 triệu người Anh.
Cuộc nghiên cứu do tiến sĩ Orianne Dumas - Viện Sức khỏe và Nghiên cứu y khoa Quốc gia Pháp tiến hành. Nghiên cứu theo dõi các y tá khử trùng các dụng cụ y tế trong nhiệm vụ hàng ngày của họ.
Ngoài việc tiếp xúc với các chất khử trùng đặc biệt như glutaraldehyde - chất khử trùng mạnh dùng cho dụng cụ y tế, các y tá phải dùng cả thuốc tẩy, thuốc hydrogen peroxide, cồn và các hợp chất ammonium, chủ yếu được sử dụng để khử trùng bề mặt sàn nhà và đồ nội thất.
Tất cả những chất này có nguy cơ tăng nhiễm bệnh COPD từ 24 đến 32%.
Tiến sĩ Dumas nói: "Chúng tôi thấy rằng, các y tá sử dụng chất tẩy uế để làm sạch thường xuyên, ít nhất mỗi tuần một lần, có nguy cơ phát triển bệnh COPD 22%”.
Tiến sĩ Dumas nói thêm, tác dụng bất lợi tiềm tàng của việc tiếp xúc với chất tẩy rửa ít nhận được sự chú ý, mặc dù hai nghiên cứu gần đây ở châu Âu cho thấy rằng, công việc khử trùng, làm sạch có liên quan đến nguy cơ cao bị COPD.
Các phát hiện cung cấp thêm bằng chứng về tác động của việc tiếp xúc với chất khử trùng đối với các vấn đề hô hấp. Đồng thời, nhấn mạnh dự quan tâm tới sức khoẻ nghề nghiệp đối với những người làm sạch và khử trùng trong các cơ sở y tế như bệnh viện.