Các nhà nghiên cứu từ King's College London đã quan sát hơn 500 trẻ em dưới 12 tuổi. Họ phát hiện ra rằng, những đứa trẻ được cho ăn đậu phộng dưới dạng bột nhão hoặc xay nhuyễn cho đến khi lên 5 tuổi có nguy cơ bị dị ứng đậu phộng thấp hơn 71% so với những trẻ tránh ăn đậu phộng.
Nghiên cứu cho thấy 15,4% trẻ em tránh đậu phộng bị dị ứng ở tuổi 12, so với chỉ 4,4% những trẻ từng tiếp xúc với đậu phộng.
Giám đốc NIAID Jeanne Marrazzo cho biết: “Những phát hiện này sẽ củng cố niềm tin của cha mẹ và người chăm sóc rằng việc cho trẻ nhỏ ăn các sản phẩm đậu phộng ngay từ khi còn nhỏ theo các hướng dẫn đã được thiết lập có thể giúp các em tránh dị ứng đậu phộng”.
Bà nói thêm: “Nếu được triển khai rộng rãi, chiến lược đơn giản, an toàn này có thể ngăn ngừa hàng chục nghìn trường hợp dị ứng đậu phộng trong số 3,6 triệu trẻ em sinh ra ở Hoa Kỳ mỗi năm”.
Gideon Lack, nhà nghiên cứu chính và giáo sư về dị ứng nhi khoa tại King's College London cho biết: "Dị ứng đậu phộng phát triển rất sớm ở hầu hết trẻ em từ 6 đến 12 tháng tuổi. Nếu muốn ngăn ngừa bệnh tật thì điều này cần phải được thực hiện trước khi bệnh phát triển".
Hiện tượng sinh học này dựa trên nguyên tắc miễn dịch được gọi là cảm ứng dung nạp qua đường miệng. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã biết rằng những con chuột non hoặc những động vật thí nghiệm khác được cho ăn các loại thực phẩm như trứng, sữa hoặc đậu phộng sẽ không thể phát triển những bệnh dị ứng này sau này.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, mặc dù các bậc cha mẹ được khuyên nên cho trẻ ăn đậu phộng nhưng nhiều người vẫn lo lắng về việc trẻ sẽ tiếp xúc với đậu phộng.
Hướng dẫn cho biết, trẻ có thể tập ăn đậu phộng bắt đầu từ món bơ đậu phộng hoặc trộn bơ đậu phộng với sữa mẹ, sữa công thức. Các quan chức y tế cảnh báo rằng đậu phộng nguyên hạt hoặc đậu phộng cắt nhỏ có thể gây nguy hiểm nghẹt thở cho trẻ.