Chờ...

Chống dịch Covid-19: 3 cách hướng dẫn khử khuẩn khẩu trang bằng lò vi sóng

(VOH) - Sau nhiều lần thử nghiệm,Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường khuyến cáo người dân có thể tái sử dụng khẩu trang sau khi quay trong lò vi sóng với công suất, thời gian phù hợp.

PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết Viện đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và chứng minh được hiệu quả của việc khử trùng khẩu trang, bao gồm khẩu trang y tế và khẩu trang vải đã qua sử dụng bằng lò vi sóng.

Trong xử lý khử khuẩn hiện nay có 4 công nghệ phổ biến là UV, ozone, nhiệt, sóng viba. Viện đã thử nghiệm khử khuẩn khẩu trang dựa trên các phương pháp này.

covid-19, virus corona

Cách khử khuẩn khẩu trang bằng lò vi sóng rất đơn giản tuy nhiên người dân cần thực hiện các bước theo đúng hướng dẫn. Ảnh: SK&ĐS

Chỉ cần bật lò vi sóng ở chế độ công suất 800 w, thời gian quay 1 phút, có thể khử khuẩn chiếc khẩu trang nhanh chóng, giải pháp khử khuẩn đơn giản này có thể áp dụng với mọi gia đình trong trong mùa dịch Covid-19.

Lưu ý, lò này dùng riêng cho việc khử khuẩn khẩu trang, không dùng chung cho việc làm nóng đồ ăn.

Kết quả nghiên cứu của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường cho thấy, khẩu trang sau khi được tiệt trùng bằng cách này sạch tối đa (99,9%).

Tuy nhiên, cần chú ý chỉ nên tiệt trùng khẩu trang riêng của mình, không để chung với khẩu trang của người khác. Tốt nhất nên tiệt trùng từng cái một.

Theo đó, có 3 bước khử khuẩn khẩu trang bằng lò vi sóng như sau:

Bước 1: Dùng dung dịch có tính sát khuẩn bất kỳ để xịt lên khẩu trang, có thể sử dụng nước muối ion, nước muối sinh lý 0,9% hoặc các dung dịch có tính sát khuẩn khác. Thao tác này có mục đích chính là làm ẩm khẩu trang, việc sát khuẩn chỉ là phụ

Bước 2: Cho khẩu trang vào lò vi sóng để mặt được xịt dung dịch sát khuẩn hướng lên trên, đặt lò ở chế độ chỉ sóng viba (không bật tính năng nướng) ở công suất 800W và quay trong vòng 1 phút.

Bước 3: Sau khi quay xong chờ một lúc cho khẩu trang nguội, lấy khẩu trang ra bằng cách cầm vào phần quai là đã có một chiếc khẩu trang sạch khuẩn, đảm bảo cho việc tái sử dụng.

TS Doãn Ngọc Hải khuyến cáo các thông số thiết lập cho lò vi sóng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng bằng các thử nghiệm. Vì vậy, người dân áp dụng phương pháp này cần tuân thủ chính xác, để đảm bảo khả năng sát khuẩn, cũng như an toàn, tuyệt đối không tự ý sáng tạo, điều chỉnh mức thời gian hay công suất vì có thể gây cháy nổ.

Loại khẩu trang được khuyến nghị sử dụng cho phương pháp khử khuẩn này là khẩu trang vải, khẩu trang y tế dùng 1 lần đạt chuẩn. Với các loại khẩu trang không rõ nguồn gốc hoặc khẩu trang đặc biệt, trong thành phần cấu tạo có thể tiềm ẩm những vật liệu gây phản ứng cháy khi quay trong lò vi sóng.

Vì vậy, tốt nhất chỉ nên áp dụng với các loại khẩu trang được khuyến cáo. Ngoài ra, trong quá trình khử khuẩn cũng nên canh chừng để kịp thời xử lý nếu có vấn đề xảy ra.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cùng với việc đeo khẩu trang, cần có thói quen rửa tay sạch với xà phòng, dung dịch rửa tay có cồn, nước rửa tay khô có nồng độ cồn từ 60%, nano bạc. Tuy nhiên, các sản phẩm phải đảm bảo về nồng độ các chất có tính kháng khuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Người cao tuổi cần làm gì để chống Covid-19? - Người cao tuổi là đối tượng dễ bị tấn công và “gục ngã” khi mắc phải bệnh COVID-19 do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu, và đa số người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính kèm theo.

 Dự phòng và xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh như thế nào?  - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký Quyết định số 1271/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí bệnh COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.