Chờ...

Chứng đau đầu do “thiếu caffeine”

VOH - Uống cà phê có thể làm tinh thần phấn chấn và sảng khoái. Nhiều người có thói quen uống một ly cà phê vào mỗi buổi sáng để bắt đầu một ngày làm việc đầy bận rộn.

Cà phê giúp đầu óc minh mẫn, tăng cường khả năng tập trung, tăng sự tỉnh táo, làm giảm mệt mỏi, thậm chí làm giảm đau đầu, nhưng mọi người có biết: uống quá nhiều cà phê sẽ nạp vào một lượng lớn caffein cũng có thể là nguyên nhân gây đau đầu!

cà phê
Nhiều người bắt đầu một ngày làm việc bằng một ly cà phê thơm ngon - Ảnh: TVBS

Một phụ nữ 28 tuổi ban đầu bị chứng đau nửa đầu, nhưng gần đây cảm thấy cơn đau đầu ngày càng nặng hơn, ngay cả khi uống thuốc giảm đau cũng không cải thiện nên cô đã tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ.

Zhang Jia, bác sĩ Trưởng khoa Thần kinh tại Bệnh viện Nantou (Đài Loan, Trung Quốc) sau khi thăm khám phát hiện ra rằng, các triệu chứng đau nửa đầu ban đầu của bệnh nhân đã được kiểm soát khi điều trị bằng thuốc.

Nhưng những cơn đau đầu gần đây là những cơn đau nhói một bên, khác với những cơn đau nửa đầu trước đây của cô.

Không uống cà phê là bị đau đầu

Bác sĩ Trưởng khoa Zhang Jia tiến hành hội chẩn thêm phát hiện, hóa ra bệnh nhân này uống hơn 2 ly cà phê mỗi ngày, gần đây bỏ uống cà phê thì bắt đầu đau đầu dữ dội. Bác sĩ cho biết, ngay vào thời điểm này cô ấy uống cà phê - tình trạng đau đầu được cải thiện rõ rệt.

Hóa ra cơn đau đầu của cô là chứng đau đầu do thiếu “caffeine”, sau khi được tư vấn điều chỉnh liều lượng và tần suất uống cà phê, vấn đề đau đầu của cô ấy đã được cải thiện đáng kể.

Bác sĩ Zhang Jiawei cho biết, mặc dù cà phê là thức uống rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, nhưng caffein cũng là một trong những thành phần của thuốc và là một loại chất kích thích hệ thần kinh trung ương.

Uống quá nhiều cà phê sẽ nạp vào một lượng lớn caffein có thể gây mất ngủ và rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như hồi hộp, lo lắng, tim đập nhanh, khó thở, đau đầu…

Đọc thêm: Tại sao chúng ta lại đau đầu sau khi ngừng uống cà phê?

đau đầu
Người đang uống hơn 2 ly cà phê mỗi ngày, nếu đột ngột bỏ uống có thể dẫn tới đau đầu do thiếu “caffeine” - Ảnh: TVBS

Cho nên một khi thiếu caffein, nó có thể khiến các triệu chứng đau đầu bùng phát trở lại và sẽ dẫn đến xuất hiện các triệu chứng “thiếu caffeine” như giảm sự tập trung, trầm cảm, bồn chồn, khó chịu, kiệt sức hoặc đau đầu…

Huang Shumin, chuyên gia dinh dưỡng cũng tại Bệnh viện Nantou cho biết, cà phê rất giàu polyphenol, bao gồm flavonoid, lignin… có tác dụng chống oxy hóa; trong đó thành phần quan trọng nhất là caffeine.

Vì caffein có thể tương tác với thuốc giảm đau, thuốc ngủ và các loại thuốc khác, dẫn đến tăng hoặc giảm hiệu quả của thuốc, hoặc ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa bình thường của thuốc, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ, cho nên cần chú ý đến liều lượng caffein thu nạp từ chế độ ăn uống.

Hãy cẩn thận với caffein “ẩn mình” trong trà xanh, cola-cola và nước tăng lực

Caffein không chỉ có trong cà phê, trong chế độ ăn uống hàng ngày rất nhiều thực phẩm có chứa caffein như socola, trà đen, trà xanh, cola-cola, thậm chí cả nước tăng lực mà nhiều tài xế dùng để pha với cà phê cũng có chứa caffein.

Chuyên gia dinh dưỡng Huang Shumin giải thích rằng, lượng caffein được khuyến nghị hiện tại ở Đài Loan là không quá 300 mg mỗi người mỗi ngày đối với người lớn và được khuyến nghị không cho trẻ em và thanh thiếu niên dùng caffein.

Mọi người nên chú ý liều lượng caffeine nạp vào cơ thể trước khi thưởng thức hương thơm của một ly cà phê để tránh đau đầu hoặc các triệu chứng khác làm khó chịu cả về mặt tinh thần lẫn thể chất.