Một trong số các ca sinh non đặc biệt chỉ mới 26 tuần tuổi, nặng chỉ 800 gram đã được nuôi sống thành công nhờ “chuyển viện trong tử cung” là trường hợp của chị Dương Thị D.L. Chị L ban đầu chọn một bệnh viện tại Tp.HCM để khám và sinh con – nơi chị đã đậu thai thành công nhờ Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tuy nhiên khi thai được 24 tuần, chị phải nhập viện vì rỉ ối và nằm tại đây để theo dõi suốt hơn 1 tuần, cuối cùng bác sĩ khuyên nên lấy bé ra nếu không sẽ ảnh hưởng đến mẹ.
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Nhi Sơ sinh và Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc thăm khám cho bé sinh non
Trong lúc hoang mang, gia đình chị L được giới thiệu đến gặp bác sĩ Lê Văn Đức, Cố vấn cấp cao Sản – Phụ khoa, Trưởng khoa Sản BVQT Hạnh Phúc.
Ngày 07/08/2019, chị nhập viện trong tình trạng vỡ ối và sốt khi thai được 25 tuần 5 ngày. Tại đây, bác sĩ Lê Văn Đức, Trưởng khoa Sản – Phụ khoa đã kiểm tra kỹ sức khỏe của mẹ và bé, tư vấn những khó khăn, nguy cơ có thể xảy ra, cố gắng kéo dài thêm tuổi thai được ngày nào thì càng tốt cho em bé. Vào ngày 12/08/2019, sau 05 ngày theo dõi, các bác sĩ quyết định cho chị L sinh thường bé trai 26 tuần 3 ngày tuổi, cân nặng gần 800 gram.
Sau khi sinh, các bác sĩ đã khẩn cấp dùng các biện pháp can thiệp cấp cứu hồi sức tích cực tại phòng sinh để đảm bảo bé không bị hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hạ đường huyết, hỗ trợ hô hấp bằng thở CPAP. Khi các chỉ số đều ổn định, các bác sĩ chuyển bé qua ngay phòng Hồi sức sơ sinh cạnh đó để chăm sóc, ủ ấm… và đã cứu thành công bé trai sinh non 800 gram.
Sau hơn 2 tháng tích cực chăm sóc, điều trị, cháu bé đã qua nguy kịch, môi hồng, mạch rõ, chi ấm, thở đều, phổi bình thường, thể trọng tăng, não bộ phát triển bình thường.
Anh P. (36 tuổi, ngụ TP HCM) và chị D.L. (35 tuổi) hạnh phúc sau hành trình sinh con đầy cam go
TS.BS Cam Ngọc Phượng - trưởng khoa nhi sơ sinh và hồi sức sơ sinh Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc - cho biết với những trẻ sinh non như vậy nếu phải chuyển viện trong vòng 30 phút sẽ không an toàn, trẻ dễ bị xuất huyết não, có nguy cơ tử vong cao trên đường chuyễn viện, trong trường hợp cứu được cũng sẽ để lại nhiều di chứng về sau.
"Chuyển viện trong tử cung" là chuyển các thai phụ có nguy cơ sinh non đến các bệnh viện có khả năng hồi sức trẻ sinh rất non, giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong cho trẻ. Sau sinh, trẻ sinh non có nhiều nguy cơ như hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và nhiễm trùng. Nhóm trẻ này có nhu cầu chăm sóc đặc biệt, cần được hồi sức ngay sau sinh.
Tuy nhiên, nếu thai phụ bị dọa sinh non, cổ tử cung đã mở 3-4 phân, đường chuyển viện quá xa, thai phụ bị băng huyết, cao huyết áp… thì không thể thực hiện "chuyển viện trong tử cung".
Sinh non hiện đang là vấn đề toàn cầu. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, ước tính hàng năm có 15 triệu trẻ sinh non ra đời.
Hầu hết các trường hợp sinh non đều không biết nguyên nhân, trong đó có một số yếu tố nguy cơ kèm theo như: nguy cơ bà mẹ bao gồm bà mẹ dưới 16 tuổi hay trên 35 tuổi; bà mẹ có công việc phải đứng lâu; bà mẹ có các bệnh lý như dị dạng tử cung, cổ tử cung ngắn…; Các yếu tố nguy cơ từ thai: như thai chậm tăng trưởng trong tử cung; thai thụ tinh ống nghiệm (IVF) đa thai như sinh đôi, sinh ba.
Hiện trên thế giới đã cứu thành công trẻ sinh non 22 đến 23 tuần tuổi, khoảng 300-400 gram. Tuy nhiên, khuyến cáo nên cứu những trẻ có tuổi thai trên 24 tuần tuổi vì ở độ tuổi thai này nếu được chăm sóc tốt trẻ sẽ có thể phát triển như những trẻ bình thường khác.
Trẻ sinh rất non và cực non là nhóm trẻ dễ bị tổn thương nhất, với tỉ lệ tử vong cao do các cơ quan trong cơ thể chưa trưởng thành. Sau sinh, trẻ sinh non có nhiều nguy cơ như hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và nhiễm trùng. Nhóm trẻ này có nhu cầu chăm sóc đặc biệt, cần được hồi sức ngay sau sinh, không chỉ cần có nhân viên y tế với đội ngủ bác sĩ chuyên khoa sơ sinh, cùng các điều dưỡng Nhi sơ sinh có kỹ năng chuyên sâu, mà còn cần các máy móc theo dõi và điều trị, cùng phương tiện xét nghiệm hiện đại, cũng như môi trường chăm sóc vệ sinh.