Chờ...

Phương pháp Kangaroo là gì? Tốt như thế nào với trẻ sinh non?

(VOH) – Phương pháp kangaroo là một phương pháp khoa học có thể hỗ trợ tối đa cho trẻ sinh thiếu tháng. Phương pháp hiện được áp dụng ở nhiều bệnh viện vì mang lại lợi ích thiết thực cho cả mẹ và con.

Nếu như trước đây, với những trẻ sinh non, thiếu tháng, các bác sĩ thường tách trẻ ra khỏi người mẹ để chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp thì hiện nay những em bé này lại được khuyến khích cho gần mẹ nhiều hơn bằng cách chăm sóc theo phương pháp ấp Kangaroo.

Phương pháp Kangaroo là gì?

Phương pháp Kangaroo (hay còn gọi là phương pháp chăm sóc bà mẹ Kangaroo) là phương pháp chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân được áp dụng theo ý tưởng những chú Kangaroo. 

Phương pháp này thực hiện bằng cách đặt con trong một cái túi phía trước ngực mẹ, để bé được nằm tiếp xúc da kề da trên ngực của mẹ hoặc người chăm sóc trẻ.

Lợi ích của phương pháp Kangaroo 

Áp dụng phương pháp Kangaroo có thể mang đến nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé.

phuong-phap-kangaroo-la-gi-tot-nhu-the-nao-voi-tre-sinh-non-voh

Phương pháp Kangaroo mang lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé (Nguồn: Internet)

  1.  Lợi ích của phương pháp Kangaroo đối với trẻ

  • Giúp giảm cơn ngừng thở, ổn định nhịp tim.
  • Ổn định và kiểm soát được nhiệt độ của trẻ, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt.
  • Giúp bé ngủ ngon và ít khóc hơn.
  • Giúp giảm tỷ lệ trật khớp háng ở trẻ.
  • Giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
  • Giúp giảm đau tốt cho bé.
  • Giúp bé phát triển tinh thần, vận động tốt hơn.
  • Ngừa nhiễm khuẩn cho bé.
  • Giúp giảm chi chí và thời gian nằm viện.
  • Giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở trẻ.
  1.  Lợi ích của phương pháp Kangaroo đối với mẹ

Phương pháp Kangaroo mang lại rất nhiều những lợi ích dành cho mẹ. Chẳng hạn như:

  • Tăng tiết oxytocin giúp tăng cường mối quan hệ mẹ và con.
  • Tăng tiết sữa giúp cho việc nuôi con bằng sữa mẹ được dễ dàng và thuận lợi hơn.
  • Giúp tử cung co hồi tốt, giảm nguy cơ chảy máu sau sinh.
  • Mẹ sẽ cảm nhận dễ dàng được các tình trạng của con, giảm lo lắng các vấn đề có thể xảy ra đối với bé. 
  • Giúp mẹ dễ dàng trong việc chăm sóc con cho đến khi bé đủ tháng. 

Phương pháp Kangaroo thực hiện như thế nào?

Thực hiện phương pháp Kangaroo khá đơn giản và dễ dàng, không chỉ có mẹ mới có thể thực hiện phương pháp này mà tất cả các thành viên khỏe mạnh trong gia đình cũng đều có thể thực hiện được phương pháp ấp Kangaroo này. 

Đầu tiên, mẹ cần chuẩn bị các vật dùng cần thiết như:

  • Về phía người mẹ: Tắm rửa, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi thực hiện phương pháp. Chuẩn bị khoảng 2 – 3 cái áo Kangaroo.
  • Về phía trẻ: Chuẩn bị 1 cái áo cho bé (không cài nút), 1 chiếc nón nhỏ, 1 miếng tã hình tam giác, 1 miếng lót sơ sinh và 1 khăn lông để đắp cho bé khi cần.

Lưu ý: Các vật dùng cho bé nên sử dụng các chất liệu thấm hút tốt và nên giặt sạch trước khi dùng cho bé.

Các bước tiến hành

  • Bước 1: Bế bé bằng 2 bàn tay, 1 bàn tay giữ đầu và lưng bé (chú ý ngón trỏ và ngón cái giữ 2 bên cạnh càm của bé), 1 bàn tay nâng nhẹ mông bé để giữ cho bé ở tư thế thẳng đứng.
  • Bước 2: Tiến hành ấp bé bằng cách đặt bụng bé nằm giữa 2 bầu vú của người mẹ, ngực bé áp sát ngực mẹ. Ngón tay cái của mẹ giữ nhẹ phần cạnh càm của bé để giúp đầu bé được ngửa ra, giữ thông thoáng đường thở. Tay còn lại giữ phần mông bé.

phuong-phap-kangaroo-la-gi-tot-nhu-the-nao-voi-tre-sinh-non-1-voh

Cách thực hiện phương pháp Kangaroo khá đơn giản (Nguồn: Internet)

  • Bước 3: Người hỗ trợ sẽ giúp kéo 2 tay của bé đặt trên 2 bầu ngực mẹ, 2 chân của bé đặt ở hai bên bụng mẹ, mặt của bé quay về một bên ở tư thế thoải mái nhất.
  • Bước 4: Một tay của mẹ tiếp tục giữ đầu, tay còn lại giữa mông bé. Người hỗ trợ sẽ giúp kéo áo Kangaroo qua khỏi người bé (tới phần mang tai bé). Sau đó cài lại áo phía ngoài mà mẹ đang mặc.
  • Bước 5: Đắp chăn bông cho bé (nếu cần) để đảm bảo cho thân nhiệt của bé.

Tiêu chuẩn để thực hiện phương phương pháp Kangaroo

Đối với trẻ:

  • Cân nặng dưới 2.5kg hoặc tuổi thai dưới 37 tuần.
  • Không có dấu hiệu bệnh lý hoặc đã vượt qua giai đoạn bệnh lý nặng.
  • Không còn được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
  • Có đáp ứng tốt với các kích thích.

Đối với người mẹ:

  • Tự nguyện, hợp tác thực hiện phương pháp Kangaroo theo hướng dẫn.
  • Có sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
  • Dành toàn bộ thời gian thực hiện phương pháp Kangaroo.
  • Thực hiện vệ sinh tốt: không để móng tay dài, vệ sinh tắm rửa sạch sẽ trước khi tiến hành.
  • Có thêm một người hỗ trợ, có thể thay thế mẹ thực hiện phương pháp Kangaroo khi cần thiết.

Dinh dưỡng trẻ sinh non khi thực hiện phương pháp Kangaroo

Sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé sinh non, thiếu tháng. Bé được bú sẽ mẹ hoàn toàn trong giai đoạn 6 tháng đầu đời sẽ giúp bé dễ tiêu hóa, giảm nôn trớ, chướng hơi, đầy bụng, dự phòng được bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, sữa mẹ cũng chứa nhiều nguồn dinh dưỡng giúp cho bé tăng cường được hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, cần lưu ý đối với trẻ sinh non, phản xạ bú – nuốt của trẻ còn non yếu, do vậy ngoài việc cho con ngậm (bắt) vú đúng thì mẹ có thể cho bé ăn thêm bằng muỗng/thìa theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, mẹ cần phải biết cách vắt sữa mẹ đúng cách để giúp tăng tiết sữa, đáp ứng đủ nhu cầu bú sữa mẹ của bé mỗi ngày.

Những lưu khi chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo

Khi thực hiện chăm sóc trẻ sinh non bằng phương pháp Kangaroo mẹ cần nhớ một số lưu ý sau:

  • Đặt bé nằm đúng tư thế, cho bé “da tiếp da” với mẹ.
  • Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
  • Masaage cho trẻ đúng cách.
  • Theo dõi các dấu hiệu như: trẻ tím tái, sặc, ọc sữa,... thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám ngay.
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ (nếu có).

Tài liệu tham khảo

Kiến thức được chia sẻ từ Chuyên viên hướng dẫn thực hành PP Kangaroo Trần Thị Bích Lệ (BV Từ Dũ) trong chương trình Làm Mẹ.

Tìm hiểu về phương pháp ‘da kề da’ sau sinh : Ngay từ khi lọt lòng trẻ đã được cho xúc ‘da kề da’ với da của mẹ trong vòng ít nhất một giờ. Phương pháp da kề da được WHO khuyến khích áp dụng cho tất cả trẻ sơ sinh.

Tìm hiểu về bệnh võng mạc ở trẻ sinh non : Bệnh võng mạc thường xuất hiện ở những trẻ sinh thiếu tháng, căn bệnh này tuy không quá phổ biến nhưng khi xuất hiện có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ sau này.